Xi măng Việt Nam đã triển khai theo từng giai đoạn phát triển của nền kinh tế nước nhà. Mỗi kỳ quy hoạch có vai trò, trách nhiệm phù hợp. Đó là Quy hoạch phát triển xi măng số 970/1997/QĐ-TTg ngày 14/01/1997. Đây là quy hoạch phát triển xi măng đầu tiên của Việt Nam có sự hỗ trợ Chính phủ Đan Mạch và được Chính phủ Việt Nam phê duyệt cho thời kỳ phát triển đến năm 2010. Mục tiêu chính là phát triển
ngành Xi măng Việt Nam thỏa mãn nhu cầu tiêu dùng xi măng cả về số lượng, chủng loại và chất lượng cho xây dựng trong nước, giành một phần để xuất khẩu nhằm cân đối ngoại tệ cho trả nợ và tái sản xuất mở rộng trong các năm sau; từng bước đưa ngành Xi măng Việt Nam trở thành một ngành công nghiệp mũi nhọn, có công nghệ hiện đại ngang bằng với các nước trong khu vực, góp phần tăng trưởng kinh tế và thực hiện thắng lợi đường lối công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước.
Trên cơ sở thực tiễn sản xuất, đầu tư, năng lực trình độ của doanh nghiệp xi măng tại thời điểm đó, quy hoạch cũng đưa ra các quan điểm mang tính thực tế, đó là: đảm bảo công nghệ tiên tiến, hiện đại, tự động hóa ở mức cao nhằm tiết kiệm nguyên liệu, nhiên liệu, điện năng và các vật tư sản xuất, bảo đảm các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường, công nghệ cho phép sản xuất xi măng chất lượng cao, tiến tới phổ cập xi măng PC40; về quy hoạch và công suất: kết hợp quy mô lớn, vừa và nhỏ, trong đó, khai thác hết năng lực các cơ sở xi măng lò đứng hiện có, đồng bộ hóa để tận dụng những thế mạnh tại chỗ, như nguyên vật liệu, thị trường, nhân lực, nhất là đối với các tỉnh miền núi Tây Nguyên...
Quy hoạch số 970/1997 cũng đã đề cập đến các công nghệ phụ trợ giúp cho
ngành Xi măng tập trung vào việc phát triển doanh nghiệp nhà nước, kết hợp liên doanh nước ngoài. Quy hoạch nêu ra các chỉ tiêu công suất đầu tư, với tổng công suất thiết kế năm 2000, năm 2005 và năm 2010. Chính phủ cũng đã giao trách nhiệm cho Bộ Xây dựng, Tổng Công ty Xi măng Việt Nam phối hợp với các Bộ, ngành cùng hợp sức tạo điều kiện và triển khai hàng loạt các công việc liên quan.
Mặc dù lần đầu tiên triển khai quy hoạch phát triển xi măng nhưng các doanh nghiệp xi măng đã nỗ lực hết mình cùng với sự hỗ trợ của các Bộ, ngành, Nhà nước, xi măng Việt Nam thời kỳ đó đã có bước phát triển khá mạnh. Các doanh nghiệp xi măng lò đứng đã lao vào công cuộc đổi mới công nghệ sang xi măng lò đứng cơ giới hóa công suất cao, chất lượng cải thiện, bảo vệ tốt hơn về môi trường, nâng cao năng suất lao động. Tổng Công ty Xi măng đã vận hành có hiệu quả các nhà máy xi măng có công nghệ hiện đại như Xi măng Hải Phòng, Xi măng Hoàng Thạch, Xi măng Bỉm Sơn, Xi măngHà Tiên… và chuẩn bị các phương án đầu tư các nhà máy xi măng lớn khác.
Sau 5 năm triển khai thực hiện Quy hoạch 970/1997, ngày 18/11/2002, Chính phủ đã phê duyệt và ban hành Quy hoạch điều chỉnh phát triển xi măng số 164/2002/QĐ-TTg đến năm 2010 định hướng đến năm 2020 thay thế Quy hoạch 970/1997/QĐ-TTg. Mục tiêu của quy hoạch được dựa trên mục tiêu của Quy hoạch 970/1997, trong đó bổ sung yêu cầu nhanh chóng đưa ngành Xi măng Việt Nam thành một ngành công nghiệp mạnh, có công nghệ sản xuất hiện đại, đủ sức cạnh tranh với sản phẩm cùng loại của nước ngoài. Trên cơ sở quan điểm nêu ra trong quy hoạch lần trước, Quy hoạch 164/2002 nêu quan điểm chỉ đầu tư xây dựng các dự án, xi măng nằm trong quy hoạch được phê duyệt với công nghệ tiên tiến, suất đầu tư thấp, chủ đầu tư có năng lực, ưu tiên đầu tư các dự án xi măng có công suất 1 triệu tấn xi măng trở lên, đồng thời huy động tối đa công suất của các cơ sở sản xuất xi măng hiện có để đáp ứng nhu cầu xi măng của các địa phương.
Trước thực tế lúc bấy giờ là sản xuất không đủ xi măng cho xây dựng của thời kỳ đổi mới, ngành Xi măng phải nhập khẩu hàng triệu tấn clinker từ nước ngoài, sự hạn hẹp của nguồn vốn Nhà nước, sự vượt trội về năng suất, hiệu quả về mọi mặt của xi măng lò quay công suất lớn nên Quy hoạch 164/2002 ưu tiên đầu tư xi măng có công suất lớn, công nghệ cao và huy động tối đa các nguồn vốn trong nước (vốn tín dụng, trái phiếu công trình, vốn tự có, vốn cổ phần, vốn qua thị trường chứng khoán…) để đầu tư xi măng, đa dạng hóa phương thức huy động vốn và hình thức đầu tư xi măng và đầu tư các công nghiệp phụ trợ cho xi măng. Về bố trí quy hoạch: xây dựng các cơ sở sản xuất xi măng phải dựa trên cơ sở cân đối nhu cầu thị trường trong nước, thị trường khu vực, nguồn nguyên liệu, điều kiện hạ tầng, khả năng huy động vốn đầu tư, trình độ và năng lực của chủ đầu tư, khả năng hỗ trợ của các ngành để có thể xác định hợp lý quy mô, địa điểm, chủng loại sản phẩm và thời gian thực hiện đầu tư dự án. Quy hoạch đã đưa ra nhu cầu và kế hoạch huy động sản lượng các
nhà máy xi măng cho giai đoạn dài hơn.
Điều đáng nói là, vào thời điểm lập, phê duyệt, triển khai quy hoạch phát triển xi măng theo Quyết định 970/1997, 164/2002 Việt Nam vừa mới bước vào con đường đổi mới phát triển kinh tế, ngành xi măng lúc đó còn rất nhỏ bé và quy mô công suất một số nhà máy xi măng công suất tương đối lớn như dây chuyền 1 Xi măng Hoàng Thạch, xi măng Bỉm Sơn, một số liên doanh mới vào khai thác, chưa phát huy hết công suất thiết kế, nguồn vốn đầu tư của Nhà nước dành cho xi măng còn rất hạn hẹp, doanh nghiệp đầu tư có năng lực tài chính yếu, kinh nghiệm đầu tư, đôi ngũ cán bộ công nhân vận hành còn chưa tương xứng yêu cầu, thủ tục cấp phép đầu tư còn nhiều bất cập, vì vậy, mặc dầu các quy hoạch đã nhìn thấy các khó khăn, cho phép huy động các nguồn vốn trong nước… nhưng sản lượng xi măng còn quá nhỏ, giá thành sản xuất cao, chất lượng xi măng được sản xuất bằng lò đứng, còn hạn chế, sức cạnh tranh của xi măng Việt nam trong giai đoạn đó còn kém, thời gian đầu tư dự án xi măng kéo dài trong nhiều năm vì vậy để có đủ xi măng phục vụ xây dựng, Việt Nam phải nhập khẩu hàng triệu tấn clinker từ các nước trong khu vực.
Mặt khác, các Quy hoạch 970/1997; 164/2002 chưa nắm bắt hết tính chất phức tạp của thị trường xi măng, đó là nhu cầu xi măng thay đổi theo mùa như tháng 4, tháng 5, tháng 12 hàng năm, nhu cầu tiêu thụ xi măng tại thị trường miền Nam, Nam Bộ tăng cao, trong khi phân bổ đầu tư dự án xi măng tập trung phần lớn ở miền Bắc. Những đợt sốt nóng thiếu xi măng xảy ra hàng năm, tạo nên sự bất ổn lớn cho ngành. Để khắc phục những tồn tại của ngành, mặc dù Quy hoạch 164/2002 mới triển khai được hơn 2 năm, Chính phủ đã cho xây dựng, ban hành quyết định quy hoạch điều chỉnh phát triển xi măng số 108/2005/QĐ-TTg ngày 16/5/2005. Đây là một quyết định sáng suốt, kịp thời giải tỏa nhiều ách tắc cho ngành.
Cùng với việc kêu gọi đầu tư bằng nhiều nguồn vốn trong nước, quy hoạch 108/2005 cho phép huy động nguồn vốn từ nước ngoài, vay vốn đầu tư xi măng với sự bảo lãnh của Chính phủ. Thay vì tập trung đầu tư các dự án xi măng ở miền Bắc, quy hoạch mới ưu tiên đầu tư các dự án xi măng ở miền Nam, Trung, Nam Bộ, các nhà máy sản xuất clinker, các trạm nghiền ở miền Nam gắn với các nhà máy sản xuất clinker ở miền Bắc. Quy hoạch 108/2005 kêu gọi, ưu tiên đầu tư mở rộng các nhà máy xi măng hiện có, coi đây là giải pháp quan trọng không chỉ trước mắt để đẩy nhanh tốc độ đầu tư, tận dụng lợi thế kinh nghiệm, năng lực cán bộ, công nhân mà còn là giải pháp lâu dài hình thành các Công ty xi măng có quy mô lớn, có sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Quy hoạch 108/2005 cũng khẳng định vai trò lịch sử của xi măng lò đứng đã hoàn thành và vì những hạn chế của loại hình công nghệ này nên Nhà nước không cho phép đầu tư các nhà máy xi măng lò đứng mới và xây dựng lộ trình chuyển đổi sang công nghệ lò quay, kết thúc hoạt động xi măng lò đứng trên toàn quốc. Để tránh các biểu hiện lệch lạc trong phát triển xi măng, quy hoạch lần này cũng không cho phép đầu tư các trạm nghiền độc lập không có nguồn clinker cố định từ trong nước, hạn chế tối đa việc nhập khẩu clinker từ nước ngoài. Với mục tiêu định hướng giảm dần việc sử dụng tài nguyên khoáng sản làm nguyên liệu, nhiên liệu
sản xuất xi măng, tham gia bảo vệ môi trường, Quy hoạch 108/2005 đưa ra giải pháp đa dạng hóa nguồn nguyên liệu, nhiên liệu cho sản xuất xi măng sử dụng phế thải, phế liệu của các ngành công nghiệp khác.
Lần đầu tiên quy hoạch xi măng Việt Nam phân ra 8 vùng phát triển xi măng, trong đó quan tâm đến vùng Quảng Nam - Đà Nẵng, Tây Ninh - Bình Phước và Kiên Giang; ưu tiên đầu tư các nhà máy xi măng công suất lớn ở vùng giàu nguyên liệu ở miền Bắc, đồng thời xây dựng các trạm nghiền ở miền Nam để chuyển clinker vào. Cũng từ đây bắt đầu hình thành quy hoạch nguyên liệu cho các nhà máy xi măng để các nhà máy hoạt động lâu dài. Quy hoạch 108/2005 đưa ra các yêu cầu cụ thể về tiêu tốn nhiệt, điện, nồng độ bụi tối đa cho phép trong sản xuất xi măng.
Quy hoạch 108/2005 cùng với các quy hoạch trước đó đã mở ra một thời kỳ phát triển toàn diện ngành Xi măng: Các nhà máy xi măng lớn bắt đầu được đầu tư ở các tỉnh Kiên Giang, Tây Ninh, Bình Phước; các nhà máy xi măng, đặc biệt các nhà máy của Tổng Công ty Xi măng, tiến hành đầu tư nhiều dây chuyền mở rộng, dây chuyền 2, dây chuyền 3. Các nhà máy xi măng lớn đầu tư ở miền Bắc, đều đầu tư đồng bộ các trạm nghiền lớn, các trạm trung chuyển xi măng ở miền Nam…và có thể nói, sốt nóng xi măng từ đây đã kết thúc, miền Nam có xi măng phục vụ nhu cầu xây dựng và từ năm 2010, lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam sản xuất đủ xi măng phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước, với mức tiêu thụ 50,2 triệu tấn, tổng suất thiết kế trên 55 triệu tấn, bằng gần 400% so với sản lượng năm 2000 và bắt đầu xuất khẩu ra nước ngoài. Cũng từ thời điểm này, xi măng Việt Nam bắt đầu hình thành những nhà
sản xuất xi măng quy mô lớn bên cạnh Tổng Công ty Xi măng Việt Nam. Đội ngũ sản xuất xi măng ngày càng lớn mạnh, đủ sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Trên cơ sở thành tựu đạt được
ngành Xi măng, ngày 29/8/2011 Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghệ xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030 bằng quyết định số 1488/QĐ-TTg, thay thế quy hoạch 108/2005.
Quy hoạch 1488/QĐ năm 2011 là sự kế thừa của quy hoạch 108/2005, về tầm nhìn, định hướng phát triển lâu dài của ngành Xi măng Việt Nam, đồng thời nhấn mạnh chủ trương về tiết kiệm tài nguyên khoáng sản, sử dụng rác thải, phế thải làm nguyên liệu, nhiên liệu thay thế trong sản xuất xi măng, tận dụng nguồn nhiệt thừa để phát điện rút ngắn thời gian chuyển đổi, hoàn thành việc xóa bỏ xi măng lò đứng trước 2015. Quy hoạch 1488/QĐ cũng xây dựng chương trình đầu tư xi măng cho các năm tiếp theo. Kết quả, đến cuối thập kỷ thứ 2 thế kỷ 21, tổng công suất đầu tư của ngành Xi măng Việt Nam đã đạt gần 100 triệu tấn xi măng, hơn 10 dây chuyền sản xuất xi măng đã sử dụng nhiệt thừa để phát điện, tạo ra một nguồn điện chiếm khoảng 25% nhu cầu của dây chuyền. Xi măng, clinker của Việt Nam cũng đã xuất khẩu ra hơn 30 quốc gia và vùng lãnh thổ với khối lượng đứng đầu Thế giới.
Mặc dù hiện nay các ngành sản xuất hàng hóa không còn xây dựng quy hoạch phát triển nhưng Xi măng Việt Nam lại triển khai, phát triển theo quyết định 1266/QĐ-TTg ngày 18/8/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển
Vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030 định hướng đến năm 2050. Một lần nữa, Chiến lược phát triển ngành Xi măng đến năm 2030, tầm nhìn 2030 càng khẳng định tầm nhìn, định hướng mà các quy hoạch đã nêu ra, Xi măng Việt Nam phát triển theo hướng một ngành kinh tế mạnh.
Về quy mô công suất, chủ yếu phục vụ nhu cầu xây dựng trong nước, dành một phần xuất khẩu. Phát triển xi măng theo hướng thân thiện môi trường, sử dụng nhiều phế thải, bùn thải, nước thải, rác thải thay thế nguyên nhiên liệu từ khoáng sản hóa thạch giảm thiểu tối đa phát thải bụi, khí nhà kính bằng công nghệ tiên tiến, bằng giải pháp giảm hàm lượng clinker trong xi măng, sử dụng tối đa các năng lượng tái tạo, sử dụng nhiệt thừa trong sản xuất xi măng để phát điện, từng bước hình thành các nhà sản xuất xi măng có năng lực mạnh về tài chính, công nghệ thị trường, và quy mô công suất. Không ngừng nâng cao năng lực cạnh tranh thị trường trong môi trường hội nhập toàn cầu.
Ngày nay ngành Xi măng Việt Nam là một ngành đầu tư của các thành phần kinh tế với quy mô công suất đứng trong tóp 5 Thế giới, có công nghệ hiện đại, từng bước thân thiện hơn với môi trường và đang phát triển theo hướng sản phẩm xanh, công nghệ xanh, doanh nghiệp tăng trưởng xanh.
Các kết quả mà ngành Xi măng đạt được là kết tinh của rất nhiều yếu tố, sự cố gắng bền bỉ của cán bộ công nhân, trong đó không tách rời sự chỉ đạo sáng suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước thông qua nhiều quyết sách trong đó thể hiện tầm nhìn, định hướng, các phương án cụ thể qua các quyết định phê duyệt các quy hoạch phát triển ngành Xi măng.