
Trong chiến lược dài hạn, ngành Xi măng vẫn tập trung vào tiêu thụ trong nước. Để kích cầu, Hiệp hội Xi măng Việt Nam cùng một số Hội, Hiệp hội ngành nghề đã kiến nghị Chính phủ có biện pháp thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng thông qua phát triển nhà ở, kết cấu hạ tầng, đường giao thông và ứng dụng các giải pháp công nghệ mới. Việc tăng cường sử dụng xi măng trong xây dựng không chỉ giúp nâng cao chất lượng và tuổi thọ công trình mà còn hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn.
Nhằm tháo gỡ vướng mắc cho ngành, ngày 26/8/2024, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 28/CT-TTg về “Một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy sản xuất, tiêu thụ xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng”. Đây được kỳ vọng là động lực quan trọng giúp thị trường xi măng phục hồi và phát triển bền vững.
Bên cạnh thị trường nội địa, xuất khẩu cũng là một hướng đi quan trọng. Tuy nhiên, chính sách đánh thuế xuất khẩu clinker đang trở thành điểm nghẽn lớn nhất. Hiệp hội Xi măng Việt Nam đã nhiều lần kiến nghị lên Chính phủ, Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính về việc bãi bỏ thuế xuất khẩu clinker để phù hợp với quy định pháp luật và cam kết quốc tế trong các hiệp định thương mại tự do (FTA). Việc tháo gỡ chính sách thuế này sẽ giúp doanh nghiệp tăng cường khả năng cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
Ngoài vấn đề thị trường, các yếu tố tác động đến quá trình sản xuất cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Một trong những vấn đề lớn nhất là nguồn nguyên liệu đầu vào. Hiện nay, nhiều nhà máy xi măng gặp khó khăn trong việc cấp phép hoặc gia hạn mỏ nguyên liệu phục vụ sản xuất, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác và cung ứng clinker.
Bên cạnh đó, thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép khai thác nguyên liệu vẫn còn nhiều bất cập. Một số địa phương và Bộ, ngành có quan điểm chưa thống nhất về việc sử dụng mỏ khoáng sản để sản xuất clinker và xi măng, gây ra những rào cản pháp lý khiến doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn nguyên liệu ổn định.
Để tháo gỡ khó khăn cho ngành Xi măng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa Chính phủ, các Bộ, ngành và doanh nghiệp. Việc đẩy mạnh đầu tư công, phát triển hạ tầng và xem xét lại chính sách thuế xuất khẩu sẽ giúp doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ. Đồng thời, cải cách thủ tục hành chính trong việc cấp phép khai thác mỏ nguyên liệu là giải pháp quan trọng để đảm bảo nguồn cung ổn định, giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất. Trong bối cảnh khó khăn hiện tại, sự hỗ trợ kịp thời từ cơ quan quản lý Nhà nước là yếu tố then chốt giúp ngành Xi măng vượt qua thách thức, duy trì tăng trưởng và phát triển bền vững.
ximang.vn (TH/ DĐDN)