Thông tin từ Ban quản lý Mỹ Thuận, sau 8 tháng khởi công, tiến độ dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau chỉ mới đạt 8% sản lượng theo giá trị hợp đồng, chậm hơn 4% so với kế hoạch đề ra mà nguyên nhân chính là thiếu cát san lấp. Hiện nay, nhà thầu chỉ mới đào móc hữu cơ, thi công đường gom và xây cầu.
Vào tháng 5 vừa qua, nguồn cát được chuyển từ các mỏ khai thác về nhưng đến tháng 8, công trường san lấp đã phải dừng lại vì nguồn cung đứt gãy. Lượng cát cung ứng cho các gói thầu vẫn chưa đủ, mặc dù Chính phủ đã yêu cầu các địa phương ĐBSCL phải ưu tiên mỏ cát cung ứng cho dự án cao tốc trước.
Ông Trần Hải Bắc, đại diện Tổng Công ty Xây dựng Trường Sơn, đơn vị thi ông san lấp tuyến cao tốc Cần Thơ - Cà Mau thông tin: Hiện các gói thầu mà Công ty Trường Sơn phụ trách thi công trên tuyến Cần Thơ - Cà Mau thì tổng nguồn cát cần đến là 3,6 triệu m³. Trong năm 2023 này, Công ty thi công 1,5 triệu m³. Nhưng căn cứ vào quyết định của UBND các tỉnh ban hành thì các đơn vị khai thác vẫn chưa cung cấp đạt theo yêu cầu.
Từ đầu năm đến nay chỉ cung ứng 240.000 m³, vậy thì chúng tôi còn phải cần thêm 1,2 triệu m³ nữa mới đủ thi công trong năm 2023. Trước tình hình này, Chủ đầu tư đã giới thiệu cho chúng tôi tiếp cận 2 tỉnh Đồng Tháp và An Giang để khai thác những mỏ mới phục vụ cho dự án. Từ 2024 trở đi, nhu cầu cát sẽ còn nhiều hơn nữa.
Giá cát tại ĐBSCL hiện nay tăng từ 70.000 - 80.000 đồng/ m³.
Thị trường vật liệu xây dựng cũng trở nên “hỗn độn” vì hàng loạt doanh nghiệp phải chấp nhận bán cát với giá cao “ngất ngưỡng” trong tình cảnh người sử dụng phản ánh gay gắt. Đã vậy, nguồn cát cũng không dồi dào, doanh nghiệp không thể lấy từ các đơn vị khai thác nội địa mà phải nhập khẩu từ Campuchia với giá cao hơn hơn nội địa từ 10 - 20%.
Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, trước đây ông lấy cát tại tỉnh An Giang, nhưng từ khi địa phương này rút giấy phép hàng loạt các mỏ đã khiến cho giá cát ngoài thị trường tăng 70.000 - 80.000 đồng/m³. An Giang là một trong ba vùng trung tâm của ĐBSCL với tầng suất và số lượng phương tiện khai thác nhiều nhất. Nhưng hiện nay, hàng loạt xáng cạp khu vực này đã gần như dừng khai thác .
Ông Nguyễn Văn Dũng cho hay, những cái mỏ trước đây mình mua giờ đã bị cấm và đã dẹp phương tiện hết rồi, đâu còn để mình liên hệ mà mua. Hiện nay cánh sông Tiền từ cầu Rạch Miễu qua tới Đồng Tháp và An Giang là không còn mỏ nào để bán ra ngoài hết. Họ khai thác là để phụ vụ các công trình dự án của tỉnh nhà nên mình không mua được. Giờ có mua thì phải mua từ Campuchia về, mà cát vận chuyển từ Campuchia về xa nên giá đội lên từ 220.000 - 270.000/m³, người dân than phiền giá quá cao.
Khó khăn nhất là đối với các dự án trọng điểm của địa phương, để có cát xây tô, chủ đầu tư chỉ có thể mua cát nhập khẩu với mức giá 280.000/m³ tại bãi, nếu đem tới công trình là 380.000 đồng/m³. Đã vậy, phải chuyển tiền trước, nếu không, bên bán cũng không giao.
Các dự án dân dụng như trường học, trụ sở, bệnh viện cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Đơn giá cát san lấp khi nhà thầu ký hợp đồng với các chủ đầu tư dao động trong khoảng 170.000 - 180.000 đồng/m³. Nhưng hiện nay, để có cát đến chân công trình, nhà thầu phải trả từ 320.000 - 340.000 đồng/m³. Nhiều dự án có tiền nhưng cũng chưa mua được cát. Tình trạng thiếu cát, khan hiếm cát đang là thách thức lớn đối với các công trình có mặt bằng lớn cần san lấp. Trong khi đó, vùng đang chuẩn bị bước vào mùa xây dựng.
Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ doanh nghiệp kinh doanh vật liệu xây dựng tại huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho rằng, nếu Nhà nước không sắp xếp cho khai thác lại thì bước vào mùa xây dựng lại càng hiếm hơn. Bây giờ đã gần hết mùa mưa, giữa tháng 9 kéo dài đến tháng 4 năm sau là mùa xây dựng, đầu mua dễ thì cát sẽ không thiếu. Cứ tình hình này kéo dài là mùa xây dựng thiếu cát trầm trọng. Tôi cho rằng, cũng không nến cấm tuyệt đối, nếu chúng ta đánh giá được trữ lượng cho phép thì cũng nên cho khai thác để phục vụ nhu cầu xây dựng.
Trong khi thị trường đang khan hiếm cát thì quan điểm của các địa phương có mỏ cát tại ĐBSCL rất rạch ròi. Đối với tỉnh Đồng Tháp, ông Hồ Thanh Phương, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, năm 2024, tỉnh sẽ tranh thủ các cơ chế đặc thù đối với các mỏ cát để nâng công suất 50%, khai thác thêm 3,7 triệu m³. Tuy nhiên, tỉnh chỉ có 12 giấy phép khai thác cát nên chỉ đáp ứng khoảng 2,7 triệu m³ và ưu tiên hàng đầu cho dự án cao tốc theo sự chỉ đạo của Chính phủ. Còn lại là cung ứng cho các công trình trọng điểm của địa phương.
Riêng An Giang có 16 giấy phép khai thác cát trên sông Tiền và sông Hậu. Trong đó, có 8 giấy phép khai thác tại các mỏ cát với tổng trữ lượng trên 14,5 triệu m³ cát và 8 giấy phép nạo vét chỉnh trị dòng chảy trên các nhánh sông, dự kiến sẽ tận thu về trên 11 triệu m³ cát. Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Nguyễn Thanh Bình vừa ban hành văn bản yêu cầu Ngành chức năng thành lập các chốt kiểm soát nguồn vật liệu xây dựng vận chuyển qua địa bàn tỉnh.
Theo đó, tỉnh sẽ giám sát việc chấp hành pháp luật về khoáng sản, đặc biệt là các vấn đề về ranh giới, độ sâu, trữ lượng mỏ, hóa đơn chứng từ mua bán, kê khai thuế nhằm kiểm soát sản lượng khai thác hàng năm. Xử lý nghiêm hành vi làm thất thoát cát ra ngoài thị trường. Đến nay, chưa có dự báo nào rõ ràng về thị trường cát vật liệu trong thời gian tới. Nhưng thủ tục cấp phép mở thêm các mỏ khai thác mới đang còn rất chậm. Điều này đang làm chậm tiến độ của nhiều công trình tại ĐBSCL.
ximang.vn (TH/ VOV)