Ì ạch… tiêu thụ nội địaCó thể khẳng định giai đoạn khó khăn của ngành Xi măng (XM) đã tạm qua, bức tranh toàn cảnh của ngành XM năm 2013 bắt đầu xuất hiện nhiều mảng sáng, lạc quan hơn 2 năm 2011, 2012, bởi tiêu thụ XM và clinker 11 tháng của năm 2013 đạt 55,170 triệu tấn, trong đó tiêu thụ nội địa 42,720 triệu tấn, xuất khẩu đạt 12,5 triệu tấn, bằng 162,7% so với cùng kỳ năm 2012. Tồn kho trong cả nước tháng 11/2013 là 2,650 triệu tấn, chỉ tương đương 12 - 14 ngày sản xuất. Đây là lượng sản phẩm tối thiểu để luân chuyển trong quá trình sản xuất, hầu hết các nhà máy không sản xuất dư thừa so với mức tiêu thụ. Kế hoạch tiêu thụ năm 2013 là 56 - 57 triệu tấn nhưng 11 tháng năm 2013 đã đạt 98,5% so với kế hoạch năm, ước tiêu thụ của toàn ngành cả năm đạt 60 triệu tấn, trong đó xuất khẩu khoảng 13 triệu tấn.
Có ý kiến cho rằng không nên lạc quan quá sớm bởi XM vượt kế hoạch tiêu thụ là nhờ xuất khẩu còn tiêu thụ nội địa vẫn… ì ạch. Phân tích thực tế cho thấy: Mặc dù thị trường xây dựng, BĐS – nơi tiêu thụ phần lớn lượng XM - chưa thực sự hồi phục mạnh mẽ nhưng tiêu thụ XM nội địa năm 2013 ước đạt 47,5 - 48 triệu tấn đã là sự cố gắng lớn của toàn ngành, đặc biệt là sự nỗ lực đẩy mạnh tiêu thụ của các doanh nghiệp sản xuất. Phải nói một cách đầy đủ dù sản xuất XM không tập trung cho mục tiêu xuất khẩu, nhưng trong điều kiện hiện nay sản xuất không tiêu thụ hết công suất thì xuất khẩu là giải pháp tốt nhằm duy trì sản xuất, giúp doanh nghiệp có dòng tiền để trả nợ đầu tư và khấu hao, đồng thời góp phần giảm nhập siêu, cân đối cán cân xuất khẩu nhập của đất nước.
Nhận định tình hình kinh tế năm 2014 vẫn còn nhiều khó khăn, trên cơ sở ước sản lượng XM tiêu thụ năm 2013, Bộ Xây dựng đã tính toán nhu cầu tiêu thụ XM toàn ngành năm 2014 khoảng 62 - 63 triệu tấn, tăng 1,5 - 3% so với năm 2013, trong đó tiêu thụ nội địa khoảng 48,5 - 49 triệu tấn, xuất khẩu 13,5 - 14 triệu tấn. Tính đến thời điểm hiện tại, tháng 10/2013, tổng công suất các nhà máy XM đang hoạt động đạt trên 70 triệu tấn, hoàn toàn có khả năng sản xuất đủ lượng XM, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ năm 2014 (cả XM tiêu thụ nội địa và xuất khẩu).
Giãn tiến độ đầu tư
Câu hỏi lớn với ngành XM lúc này là liệu sau năm 2015 XM thiếu hay thừa? Theo TS Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam, năm 2013 chúng ta xuất khẩu 14 triệu tấn XM, các nhà máy sản xuất và tiêu thụ đạt 87% công suất thiết kế. Hiện nay tình hình đầu tư các nhà máy XM gặp nhiều khó khăn do chủ đầu tư khó khăn về vốn nên nếu không được đầu tư quan tâm đúng mức, chúng ta sẽ thiếu XM trong tương lai.
Lý giải về khó khăn trong đầu tư phát triển các dự án XM, ông Lê Văn Tới - Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng nhấn mạnh: Việc đầu tư các dự án xi măng trong giai đoạn hiện nay rất khó vì thị trường cung dư cầu nên không thu hút các nhà đầu tư, tín dụng của các doanh nghiệp Việt Nam trong thời điểm hiện nay rất khó khăn, đặc biệt các dự án phát triển xi măng.
Trong Quyết định 1488/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030, điều kiện để các dự án được đầu tư các dự án mới là chủ đầu tư phải có năng lực tài chính, tối thiểu phải có 20% vốn tự có và các ngân hàng sẽ lấy đây là một trong những điều kiện tối thiểu để cho vay. Với một dự án có tổng mức đầu tư lớn như XM, để thu xếp được 20% vốn tự có, thực sự không phải nhà đầu tư nào cũng có tiềm lực tài chính.
Cũng theo Quyết định 1488/QĐ-TTg ngày 29/8/2011 của Thủ tướng Chính phủ, trong giai đoạn 2011 - 2014 sẽ có 27 dự án đi vào vận hành, nhưng thực tế đến nay mới chỉ 8 dự án hoàn thành, đi vào vận hành sản xuất, gồm Tân Quang, Quán Triều, Hà Tiên 2-2, X18 chuyển đổi, Áng Sơn 2, Mai Sơn, Xuân Thành 1, Quảng Phúc. Riêng trong năm 2014 sẽ có thêm 5 dự án hoàn thành với tổng công suất 7,82 triệu tấn, gồm 12/9 Nghệ An, Trung Sơn, Đồng Lâm, Công Thanh 2, Visai Hà Nam. Nhìn xa hơn đến năm 2015,2016 chưa phát hiện được dự án nào có thể hoàn thành.
TS Nguyễn Quang Cung phân tích: Đầu tư xi măng khác xa với các lĩnh vực khác vì đòi hỏi vốn lớn, thời gian kéo dài nhiều năm. Hiện nay nhiều nhà đầu tư không thu xếp được vốn để đầu tư các nhà máy xi măng theo quy hoạch. Với tình hình đầu tư như thế, đến gần năm 2020 toàn ngành chỉ đạt 78 - 80 triệu tấn, nếu việc đầu tư không được quan tâm đúng mức, có thể mất cân đối cung cầu xi măng lại tái diễn.
Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng khẳng định: Năm 2012 cung vượt cầu, thị trường bất động sản trầm lắng, Bộ Xây dựng đề xuất Thủ tướng giãn tiến độ 7 dự án, loại bỏ 9 dự án ra khỏi danh mục đầu tư. Trong điều kiện cung cầu thuận lợi, 7 dự án giãn tiến độ này sẽ là nguồn bổ sung công suất cho giai đoạn tiếp theo. Và trên thực tế, các dây chuyền xi măng hiện có khi thị trường thuận lợi có thể khai thác trên 100% công suất thiết kế. Điều hành và thực hiện tốt Quy hoạch phát triển xi măng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, chúng ta không bị quá dư thừa trong giai đoạn kinh tế suy thoái và cũng sẽ không bị thiếu hụt nguồn cung khi kinh tế cũng như thị trường xây dựng phát triển.
Như vậy, không quá khó khăn để đưa ra câu trả lời chính xác XM sẽ thiếu hay thừa trong tương lai nhưng rõ ràng, để đầu tư hiệu quả trong ngành sản xuất này, buộc các doanh nghiệp phải có tiềm lực tài chính đủ mạnh, đầu tư bài bản ngay từ đầu, công nghệ tiên tiến, thiết bị hiện đại, trình độ quản lý tốt thì mới có thể tồn tại, phát triển bởi sự cạnh tranh và những yêu cầu đối với ngành sản xuất này ngày càng cao.
Theo Báo Xây dựng *