Thông tin chuyên ngành Xi măng Việt Nam

Chuyên đề xi măng

Ngành xi măng tốn thêm 200 tỷ đồng do điện tăng giá

19/08/2013 11:17:27 AM

Việc giá điện tăng thêm 5% từ ngày 1/8 đã làm giá thành sản xuất mỗi tấn xi măng tăng từ 8 - 10.000 đồng. Với dự kiến sản xuất khoảng 20 triệu tấn sản phẩm trong 5 tháng cuối năm 2013, ngành xi măng sẽ phải chi thêm khoảng 200 tỷ đồng tiền điện.

Quyết định tăng giá điện được đưa ra trong bối cảnh ngành xi măng vẫn còn khó khăn. Theo số liệu được công bố, sản lượng tiêu thụ xi măng đã tăng lên so với cùng kỳ năm trước, nhưng lượng tăng chủ yếu nhờ xuất khẩu. Cụ thể, 6 tháng đầu năm, cả nước tiêu thụ 29,5 triệu tấn xi măng, trong đó xuất khẩu 6,8 triệu tấn (xi măng và clinker). Tuy nhiên, xuất khẩu vẫn chỉ là giải pháp tình thế để giảm thiểu hàng tồn khó, chứ không phải là bước đi vững chắc, lâu dài và có lãi của các doanh nghiệp sản xuất trong nước. Vì vậy, ngành xi măng vẫn ngập trong khó khăn.

Hiện giá xuất khẩu clinker cao nhất chỉ vào khoảng 78 USD/tấn và giá bán xi măng trong nước trung bình khoảng trên 1,3 triệu đồng/tấn, thấp hơn nhiều so với giá bán trung bình trên thế giới, khoảng trên 100 USD/tấn. Việc tăng giá điện khiến các doanh nghiệp ngành xi măng đã khó khăn càng thêm điêu đứng.


Các doanh nghiệp sản xuất xi măng không đồng tình với cách hành xử của ngành điện

Các doanh nghiệp sản xuất xi măng cho rằng, luận điểm tăng giá điện cho ngành xi măng và thép do các ngành này sử dụng công nghệ lạc hậu là không thuyết phục, bởi đại đa số dây chuyền sản xuất xi măng của Việt Nam hiện nay như của Vicem, Nghi Sơn, Holcim, Chinfon, Hạ Long, Thăng Long, Cẩm Phả… đều được đầu tư theo công nghệ của Đan Mạch, Đức, Pháp, thuộc loại tiên tiến bậc nhất thế giới. Điện năng tiêu thụ từ 65 - 85 KWh/tấn xi măng, là mức tiêu thụ điện năng trung bình. Tổng sản lượng của các nhà máy trên vào khoảng 47 triệu tấn, chiếm khoảng 84 - 85,45% tổng sản lượng toàn ngành. Như vậy, cả ngành xi măng, chỉ còn khoảng 8 - 9 triệu tấn xi măng thuộc dòng công nghệ tiêu tốn điện năng.

Trao đổi với Đầu tư Bất động sản, nhiều doanh nghiệp xi măng đều tỏ ra thất vọng về cách hành xử của ngành điện và cho rằng, ngành điện đã “dẫm đạp” lên mọi cố gắng của ngành xi măng khi các nhà máy chủ động chạy vào giờ thấp điểm.

Ông Lương Quang Khải, Chủ tịch HĐTV Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (Vicem) cho biết, việc đột ngột tăng giá điện đã làm đảo lộn kế hoạch sản xuất - kinh doanh của nhiều đơn vị thuộc Vicem. Tất cả kế hoạch về sản xuất - kinh doanh đã được các đơn vị thành viên xây dựng sát với thị trường, nên việc tăng giá điện làm Vicem mất khoảng gần 80 tỷ đồng, trong đó, Vicem Hoàng Thạch - đơn vị khá nhất trong họ Vicem mất thêm khoảng 20 tỷ đồng.

Ông Đào Ngọc Bình, Tổng giám đốc Vicem Hoàng Thạch cho biết, xăng dầu tăng giá đã là một áp lực cho doanh nghiệp xi măng khi các nhà phân phối yêu cầu hỗ trợ vận chuyển, nay đến lượt điện tăng giá khiến khó khăn của các doanh nghiệp xi măng càng thêm chồng chất.

Đồng quan điểm, ông Hoàng Xuân Vịnh, Tổng giám đốc Xi măng Cẩm Phả cho biết, từ tháng 6/2012 đến nay, ngành điện đã tăng giá 3 lần. Lần tăng giá này Xi măng Cẩm Phả mất khoảng 10 tỷ đồng và để đạt mục tiêu sản xuất - kinh doanh thì Công ty chỉ còn biết cố gắng xoay xở.

Điều đáng nói, với việc tăng giá điện, ngành điện có thể thu thêm khoảng 200 tỷ đồng, nhưng con số mà ngành xi măng mất đi chắc chắn nhiều hơn 200 tỷ đồng, bởi các doanh nghiệp sản xuất xi măng không dám tăng giá, vì hiện cung đang vượt cầu, trong khi xuất khẩu không ổn định. Số phận của ngành xi măng vốn được ví như “bánh mỳ của ngành xây dựng” nay càng thêm khó.

Theo ĐTCK

 

TIN MỚI

ĐỌC NHIỀU NHẤT

banner kluber
banner mapei2
bannergiavlxd
faq

Hội thảo "Xi măng vượt ngoài carbon - Mở rộng tiềm năng"

Xem các video khác

Thăm dò ý kiến

Theo bạn, yếu tố nào thúc đẩy tiêu thụ VLXD hiện nay?