Dự thảo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa VLXD kỳ vọng sẽ góp phần quản lý chặt từ gốc các sản phẩm VLXD đang được lưu thông trên thị trường.
Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng sẽ quy định các yêu cầu kỹ thuật và quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng thuộc nhóm 2 theo quy định tại Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa được sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường Việt Nam.
Từ những quy định cụ thể đã được nêu ra trong dự thảo Quy chuẩn, để được lưu thông tại thị trường Việt Nam, các sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng phải đảm bảo không gây mất an toàn trong quá trình vận chuyển, lưu giữ, bảo quản và sử dụng. Những tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu phải kê khai đúng chủng loại sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng phù hợp với danh mục sản phẩm đã được quy định. Nếu chưa rõ, cần phối hợp với tổ chức đánh giá sự phù hợp để thực hiện việc định danh chủng loại sản phẩm.
Ngoài ra, các sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng quy định tại Phần 2 khi lưu thông trên thị trường cũng cần có giấy chứng nhận hợp quy và công bố hợp quy. Dấu hợp quy được sử dụng trực tiếp trên sản phẩm hoặc trên bao gói, trên nhãn gắn sản phẩm hoặc trong chứng chỉ chất lượng, tài liệu kỹ thuật của sản phẩm.
Đối với những quy định về chỉ định và công bố các tổ chức chứng nhận hợp quy sẽ được căn cứ vào sự đáp ứng các yêu cầu về hệ thống quản lý, năng lực của các phòng thí nghiệm theo quy định tại Nghị định số 62/2016/NĐ-CP và Thông tư số 09/2009/TT-BKHCN ngày 08/4/2009 của Bộ Khoa học và Công nghệ. Trên cơ sở đó, Bộ Xây dựng ra quyết định chỉ định các tổ chức chứng nhận hợp quy đối với sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng.
Tiếp đó, những thông tin cần thiết đều được công bố, đăng tải công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và địa phương, bao gồm: Danh sách các tổ chức và các chuyên gia thuộc tổ chức chứng nhận hợp quy được chỉ định; danh sách các tổ chức và các chuyên gia thuộc tổ chức chứng nhận hợp quy đã bị xử lý vi phạm các quy định hiện hành về hoạt động chứng nhận hợp quy.
Để được chứng nhận là hợp quy và được công bố hợp quy, các sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng phải được công bố hợp quy phù hợp với các quy định kỹ thuật nêu trong Phần 2 của Dự thảo Quy chuẩn dựa trên kết quả Chứng nhận hợp quy của Tổ chức đánh giá sự phù hợp được Bộ Xây dựng chỉ định hoặc thừa nhận.
Việc đánh giá sự phù hợp cho các sản phẩm hàng hóa vật liệu xây dựng sản xuất và nhập khẩu được thực hiện theo 3 phương thức. Cụ thể, phương thức thử nghiệm mẫu điển hình; hiêu lực của Giấy chứng nhận hợp quy là 1 năm và giám sát thể hiện bằng việc thử nghiệm mẫu mỗi lần nhập khẩu. Phương thức này phù hợp với việc đánh giá chứng nhận cho các sản phẩm nhập khẩu đối với các sản phẩm được sản xuất bởi cơ sở sản xuất có kinh nghiệm tại nước ngoài và cơ sở sản xuất đã xây dựng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn ISO 9001 hoặc tương đương.
Bên cạnh đó, phương thức thử nghiệm mẫu điển hình và đánh giá quá trình sản xuất; giám sát thông qua thử nghiệm mẫu lấy tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường kết hợp với đánh giá quá trình sản xuất có hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy là 3 năm và giám sát hàng năm thông qua việc thử nghiệm mẫu tại nơi sản xuất hoặc trên thị trường. Cuối cùng là phương thức thử nghiệm, đánh giá lô sản phẩm, hàng hóa, hiệu lực của Giấy chứng nhận hợp quy này đối với giá trị của từng lô hàng.
Với nhiều điểm mới, các chuyên gia cho rằng, Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sản phẩm, hàng hóa vật liệu xây dựng sẽ là thước đo chuẩn mực để đánh giá đúng mức về mặt kỹ thuật, góp phần quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hoá vật liệu xây dựng đối với các sản phẩm đang được lưu thông trên thị trường, qua đó đảm bảo tính thực tế, phù hợp yêu cầu của các tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp.
Quỳnh Trang (TH/ Xây dựng)