» Trong giai đoạn 2025 - 2026, nhu cầu về vật liệu xây dựng tại TP. Hồ Chí Minh dự kiến tăng đột biến, đặc biệt là các loại vật liệu thiết yếu như đá xây dựng, cát và đất san lấp. Áp lực đến từ hàng loạt dự án giao thông hạ tầng quy mô lớn đang đồng loạt triển khai trên địa bàn thành phố và các khu vực lân cận.
Đà tăng trưởng của thị trường xây dựng hạ tầng tại TP.HCM kéo theo nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng tăng vọt, đặt ra nhiều thách thức trong đảm bảo nguồn cung ổn định. Các doanh nghiệp và cơ quan chức năng đang đối mặt với bài toán cấp bách về khai thác, phân phối và quản lý tài nguyên khoáng sản nhằm phục vụ tiến độ thi công đúng kế hoạch.
Theo thông tin từ các nhà thầu, hiện nay nhiều dự án hạ tầng trọng điểm tại TP.HCM như đường Vành đai 3, cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và các tuyến giao thông liên vùng đang gặp khó khăn do thiếu hụt vật liệu, trong đó đá xây dựng là loại khan hiếm nhất. Đại diện Công ty CP Xây dựng Hạ tầng Đại Phong cho biết, đơn vị đang thi công đường Vành đai và dự án nạo vét, gia cố suối Cái nhưng nguồn đá xây dựng chỉ đáp ứng được khoảng 30% nhu cầu. Giá đá tăng liên tục, gây áp lực lớn lên chi phí và tiến độ. Một số nhà cung cấp bê tông thương phẩm cũng không đủ năng lực đáp ứng do thiếu vật liệu đầu vào.
Không chỉ dừng lại ở một vài công trình, tình trạng thiếu vật liệu còn xuất hiện tại các dự án trọng điểm cấp quốc gia như cao tốc TP.HCM - Thủ Dầu Một - Chơn Thành và đường Vành đai 4 đoạn cầu Thủ Biên - sông Sài Gòn. Đây là các tuyến giao thông liên kết vùng chiến lược, kết nối cảng Cái Mép - Thị Vải, sân bay Long Thành và khu vực Tây Nguyên. Theo tính toán, hai dự án này cần khoảng 10,6 triệu m³ đất đắp, 3,5 triệu m³ đá và 830.000 m³ cát để thi công.
Ông Dương Hoài Thanh, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả nhận định, để tháo gỡ khó khăn về vật liệu, doanh nghiệp đã kiến nghị các địa phương cho phép tận dụng đất từ cải tạo nông nghiệp làm vật liệu san lấp, tương tự như cơ chế đã áp dụng tại một số dự án cao tốc trước đây. Giải pháp này có thể giúp tiết giảm chi phí và rút ngắn thời gian thi công.
Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường TP.HCM, khu vực Bình Dương cũ hiện còn 31 giấy phép khai thác vật liệu xây dựng có hiệu lực, tổng diện tích gần 900 ha, với trữ lượng hơn 322 triệu m³. Đây là nguồn cung chủ lực cho khu vực phía Nam, trong đó đá xây dựng chiếm tỷ lệ lớn với khoảng 17 triệu m³/năm, đủ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu hiện tại. Tuy nhiên, sản lượng thực tế chỉ đạt 60 - 70% công suất thiết kế.
Đáng lo ngại, nguồn cung cát và đất san lấp đang thiếu hụt nghiêm trọng. Dự báo trong 1,5 năm tới, tổng nhu cầu cát san lấp gần 9 triệu m³ nhưng khả năng khai thác chỉ đạt khoảng 1,575 triệu m³. Đối với đất san lấp, tổng nhu cầu hơn 15 triệu m³ nhưng nguồn hiện hữu chỉ cung cấp được khoảng 6 triệu m³.
Trước tình hình này, các Sở ngành tại TP.HCM đã bắt tay rà soát, tháo gỡ vướng mắc trong lĩnh vực đất đai, môi trường, xây dựng, giao thông và cấp phép, nhằm đẩy nhanh các thủ tục nâng công suất, mở rộng quy mô khai thác mỏ. Với đá xây dựng, TP.HCM sẽ thực hiện theo Luật Địa chất và Khoáng sản 2024, tiến hành khoanh định khu vực không đấu giá và tổ chức đấu giá quyền khai thác tại các mỏ được phê duyệt ở Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu cũ, dự kiến hoàn tất trong quý 4/2025. Các hồ sơ xin nâng công suất và khai thác sâu tại các mỏ hiện hữu cũng được yêu cầu xử lý kịp thời.
Trong ngắn hạn, thành phố sẽ tận dụng nguồn cát từ các dự án nạo vét sông Thị Tính (Bình Dương cũ) và hồ chứa tại Bà Rịa - Vũng Tàu cũ, với khả năng cung cấp hàng triệu mét khối trong giai đoạn 2025 - 2030. Các nhà thầu cũng được khuyến khích tìm nguồn bổ sung từ Đồng bằng sông Cửu Long hoặc nhập khẩu từ Campuchia để đa dạng hóa nguồn cung.
Với đất san lấp, Sở Nông nghiệp và Môi trường phối hợp khảo sát trữ lượng tại các khu vực đồi gò, tổ chức đấu giá quyền khai thác theo quy định; đồng thời đẩy mạnh thu gom đất dư từ các công trình cải tạo dân dụng, bóc phủ mỏ đá nhằm bù đắp phần thiếu hụt.
Về quản lý thị trường, Sở Xây dựng TP.HCM được giao công bố giá và chất lượng vật liệu xây dựng định kỳ để kiểm soát tình trạng đầu cơ, đồng thời nghiên cứu và khuyến khích sản xuất cát nghiền thay thế một phần cát tự nhiên. Các chủ đầu tư và nhà thầu cũng được đề nghị chủ động tìm kiếm nguồn cung dài hạn, dự trữ vật liệu tại công trường, kết hợp ứng dụng công nghệ thi công hiện đại nhằm tiết kiệm tài nguyên và giảm tác động môi trường.
Về lâu dài, TP.HCM sẽ kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành liên quan mở rộng phạm vi sử dụng vật liệu thay thế như tro xỉ, xỉ luyện kim và các vật liệu nhân tạo trong xây dựng hạ tầng, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và đảm bảo an ninh tài nguyên khoáng sản.
Cem.Info