Theo Tổ chức Quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWW) tại Việt Nam, lượng cát từ thượng nguồn sông Mekong vào Việt Nam qua sông Tiền và sông Hậu ước tính 2 - 4 triệu m³/năm. Lượng cát đổ ra biển Đông là từ 0 - 0,6 triệu m³/năm. Trong khi đó, lượng các khai thác hàng năm ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) trong giai đoạn 2017 - 2022 là 35 - 55 triệu m³… Trữ lượng cát đáy sông ở ĐBSCL sẽ cạn kiệt vào năm 2035. Nếu tiếp diễn tình trạng khai thác như hiện tại trữ lượng cát đáy sông sẽ chỉ đủ dùng đến khoảng năm 2035. Nếu giảm lượng khai thác thêm 5% mỗi năm, trữ lượng này có thể duy trì đến năm 2040, ngược lại, sẽ cạn kiệt vào năm 2035, chuyên gia cảnh báo.
Các chuyên gia cũng cho rằng cát ngày càng khan hiếm, nếu tăng khai thác thì vài năm sau sẽ gia tăng sạt lở nghiêm trọng. Trong khi đó nhu cầu xây dựng, nhất là tại các công trình giao thông trọng điểm ngày càng tăng. Mặc dù các Bộ, ngành đã đưa ra các giải pháp, các địa phương cũng có cam kết việc đảm bảo nguồn cung cát sông cho các công trình trọng điểm cũng như quản lý việc khai thác hợp lý hơn. Tuy nhiên, đến năm 2025, ĐBSCL cần hoàn thành khoảng 400 km đường cao tốc, cần tới 39 triệu m³ cát san lắp, chưa kể các công trình công cộng, công trình dân sinh khác nên nhu cầu san lấp cát là rất lớn. Nếu tiếp tục khai thác quá mức sẽ gây sạt lở, sụt lún.
ÐBSCL đang triển khai hàng loạt các công trình, trong đó có các dự án giao thông quan trọng như dự án đường cao tốc Cần Thơ - Cà Mau, dự án đường cao tốc Châu Ðốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Cùng đó, các địa phương cũng đang thực hiện đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm và đặc biệt là các tuyến đường giao thông để kết nối liên vùng. Song, tình trạng khan hiếm cát sông đang ảnh hưởng lớn đến các công trình giao thông, xây dựng kết cấu hạ tầng tại nhiều địa phương ở ÐBSCL. Ðiều này ảnh hưởng tiến độ, giá thành san lấp của các dự án bị đội lên so với tính toán ban đầu. Do vậy, tìm vật liệu thay thế cát sông là vấn đề đang được các nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp, người dân quan tâm.
Tại Tọa đàm, các nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp chia sẻ, trao đổi thẳng thắn, hiệu quả, trực diện và có những đề xuất để hướng đến tương lai tốt đẹp về câu chuyện khai thác cát sông và vật liệu thay thế cát sông trong xây dựng. Theo đó, để giảm vật liệu thay thế cát, các giải pháp được đề xuất như xay đá thành cát; sử dụng cát biển; áp dụng trộn tro xỉ thay thế cát sử dụng ở một số công trình. Bên cạnh đó, nghiên cứu thay đổi kết cấu công trình; học hỏi kinh nghiệm các quốc gia trên Thế giới, chẳng hạn ứng dụng việc khép kín theo nước Hà Lan… Song, có thể tìm bất kỳ vật liệu nào để thay thế cát sông, nhưng phải đảm bảo được các tiêu chuẩn nghiên cứu và quy định chặt chẽ, đảm bảo chất lượng công trình…
ximang.vn (TH)