Thống kê cho thấy, mỗi ngày, Campuchia đang xuất khẩu sang Việt Nam khoảng 50.000 - 60.000 m³ cát. Chính phủ Campuchia chủ trương để thị trường mua bán tự do, không can thiệp vào giá cả và sẽ cấp chứng nhận xuất xứ; yêu cầu đảm bảo việc khai thác, vận chuyển, xuất khẩu cát đúng giấy phép, nộp thuế đầy đủ cho nhà nước.
Vì vậy, Bộ Công Thương kiến nghị lãnh đạo Chính phủ xem xét, giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành rà soát và nắm bắt tổng nhu cầu, số lượng cát cần mua của các doanh nghiệp, nhà thầu thi công san lấp, xây dựng để chủ động làm việc với doanh nghiệp Campuchia, đàm phán hợp đồng mua bán cát theo đúng quy định của hai nước.
Hiện tại, Campuchia mới cấp phép khai thác và xuất khẩu cát cho 3 công ty trong nước (không cấp phép khai thác cho công ty nước ngoài); trong đó, Công ty Chaktomuk Campuchia mỗi ngày đang xuất khẩu khoảng từ 40.000 - 60.000 m³ cát cho khoảng 15 - 20 công ty của Việt Nam. Đáng lưu ý, Công ty Sok Theara sở hữu trữ lượng mỏ cát khoảng hơn 200 triệu m³ nhưng hiện chưa xuất khẩu cát sang Việt Nam. Công ty Global Green Energy đang cung cấp khoảng 10.000 m³/ngày cho 2 - 3 công ty của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, phía Campuchia cho biết sẵn sàng ban hành cả chứng nhận xuất xứ cho cát mua tại Campuchia để giảm thiểu hiện tượng gian lận, buôn lậu.
Trước đó, đầu tháng 4 vừa qua tại TP.HCM, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì buổi làm việc với các bộ ngành và tỉnh, thành liên quan về tình hình vật liệu cát đắp nền cho dự án đường vành đai 3 TP.HCM.
Được biết, Campuchia có thiện chí xuất khẩu cát sang Việt Nam với trữ lượng khoảng 100 triệu m³, thời gian khai thác trong 1 năm. Vì vậy Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo kết quả nghiên cứu đàm phán nhập khẩu cát xây dựng và cát đắp nền từ nước bạn để xem xét, quyết định nhằm giảm bớt áp lực cân đối cung cầu trong nước.
ximang.vn (TH/ Tin tức)