» Trước tình trạng giá vật liệu xây dựng liên tục tăng cao từ đầu năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã và đang triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt trong lĩnh vực đầu tư công.
Theo báo cáo của Sở Xây dựng Thanh Hóa, từ đầu năm đến nay, giá sắt thép đã tăng khoảng 15 - 20% so với cùng kỳ năm trước. Giá xi măng cũng ghi nhận mức tăng từ 80.000 - 100.000 đồng/tấn. Cát xây dựng là một trong những vật liệu thiết yếu tăng tới 25 - 30%, trong khi nguồn cung tại một số khu vực miền núi trở nên khan hiếm do các biện pháp siết chặt khai thác khoáng sản. Tình trạng giá vật liệu xây dựng tăng vọt khiến nhiều nhà thầu trên địa bàn tỉnh rơi vào thế bị động, khi dự toán ban đầu không còn chính xác, trong khi việc điều chỉnh giá lại mất nhiều thời gian. Hệ quả là nhiều công trình, đặc biệt là các dự án đầu tư công, bị kéo dài tiến độ và đội vốn, gây lãng phí nguồn lực xã hội và ảnh hưởng đến đời sống người dân, nhất là với các công trình cấp thiết như trường học, bệnh viện, đường giao thông.
Một ví dụ điển hình là dự án xây dựng tuyến đường liên xã tại huyện Quảng Xương với tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng. Đến nay, dù đã bước sang quý 2/2025, dự án mới chỉ hoàn thành 45% khối lượng công việc. Đại diện Ban quản lý dự án cho biết chi phí nguyên vật liệu tăng cao khiến nhà thầu gặp khó khăn về vốn lưu động và phải chờ điều chỉnh đơn giá từ cấp có thẩm quyền.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 23 dự án chậm tiến độ, một trong những nguyên nhân là do giá vật liệu xây dựng tăng cao.
Không chỉ ảnh hưởng đến các dự án đầu tư công, giá vật liệu tăng còn tác động mạnh đến các lĩnh vực khác của nền kinh tế. Các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng phải đối mặt với nhiều biến động. Một số đơn vị có thể hưởng lợi từ việc giá bán tăng, nhưng phần lớn nhà thầu và người tiêu dùng lại gặp khó khăn trong việc tiếp cận đủ vật liệu với giá hợp lý. Anh Lê Văn Thành, cư trú tại phường Quảng Hưng (TP. Thanh Hóa), chia sẻ rằng kế hoạch xây dựng ngôi nhà với ngân sách khoảng 900 triệu đồng đã phải hoãn lại khi chi phí vật liệu và nhân công tăng lên hơn 1,1 tỷ đồng. Tình trạng này cũng khiến nhiều đội thợ xây và công nhân xây dựng phải giảm quy mô, chia ca làm việc, khiến thu nhập của người lao động bị ảnh hưởng đáng kể.
Trước những khó khăn này, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ. Chủ tịch UBND tỉnh, ông Đỗ Minh Tuấn, yêu cầu cập nhật bảng giá vật liệu hàng tháng sát với thực tế để chủ đầu tư và nhà thầu kịp thời điều chỉnh dự toán, tránh thiệt hại do trễ thông tin. Các đơn vị thi công cũng được yêu cầu áp dụng phương pháp điều chỉnh giá hợp đồng linh hoạt, phù hợp với biến động thị trường. Trong trường hợp giá vật liệu biến động bất thường, các địa phương phải đẩy nhanh tiến độ phê duyệt hồ sơ điều chỉnh để không làm ảnh hưởng đến tiến độ và chất lượng công trình.
Thanh Hóa cũng đang khuyến khích sử dụng vật liệu thay thế như gạch không nung, cát nhân tạo, thép tái chế các loại vật liệu vừa giúp giảm chi phí, vừa thân thiện với môi trường. Đồng thời, tỉnh đã chỉ đạo rà soát lại giấy phép khai thác các mỏ vật liệu xây dựng; các mỏ không khai thác hoặc khai thác không hiệu quả sẽ bị thu hồi giấy phép. Việc tăng cường thanh tra, kiểm tra việc niêm yết giá vật liệu cũng được triển khai nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng. Tỉnh còn tạo điều kiện để các mỏ cát, mỏ đá nâng công suất khai thác, đáp ứng nhu cầu xây dựng đang tăng cao tại các khu công nghiệp và dự án giao thông trọng điểm.
Về lâu dài, Thanh Hóa xác định cần xây dựng một hệ thống quản lý vật liệu xây dựng hiệu quả, có khả năng dự báo và điều chỉnh giá linh hoạt hơn. Sở Xây dựng đang phối hợp với các đơn vị triển khai cơ sở dữ liệu giá vật liệu theo thời gian thực, cập nhật theo từng địa phương và giai đoạn. Cùng với đó, tỉnh cũng thúc đẩy các nhà đầu tư phát triển cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng thân thiện với môi trường, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, tận dụng phế thải công nghiệp như tro xỉ, bã thạch cao. Đây được coi là hướng đi bền vững, vừa giúp giảm chi phí sản xuất, vừa bảo vệ môi trường và tài nguyên thiên nhiên.
Mặc dù thị trường vật liệu xây dựng vẫn còn nhiều khó khăn, nhưng với những giải pháp quyết liệt và đồng bộ, Thanh Hóa kỳ vọng sẽ từng bước ổn định tình hình, đảm bảo tiến độ các công trình trọng điểm và phục vụ hiệu quả cho mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
ximang.vn (TH)