» Thị trường vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa từ đầu năm 2025 đến nay ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực. Giá bán nhiều mặt hàng tăng, nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng cao tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất, cung ứng ổn định cho các công trình xây dựng.
Những tháng đầu năm, các tín hiệu phục hồi từ bất động sản, đẩy mạnh đầu tư công và nhu cầu hạ tầng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa đang tạo động lực mạnh mẽ cho thị trường vật liệu xây dựng. Đây là thời điểm các doanh nghiệp tăng tốc sản xuất, tối ưu chi phí và chuẩn bị nguồn cung vật liệu xây dựng cho giai đoạn cao điểm cuối năm.
Thị trường sôi động, doanh nghiệp chủ động tăng sản lượng
Tại nhiều đơn vị khai thác, sản xuất đá xây dựng trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, sản lượng tiêu thụ trong nửa đầu năm 2025 đã tăng đáng kể so với cùng kỳ. Một doanh nghiệp cho biết từ đầu năm đến nay đã cung ứng khoảng 34.000 m³ đá các loại, tăng 16% so với cùng kỳ, đạt 60% kế hoạch năm. Nguyên nhân là nhờ hàng loạt công trình dân dụng, dự án đầu tư công được khởi công đồng loạt, nhu cầu vật liệu tăng mạnh.
Mặc dù đã qua mùa cao điểm xây dựng, các doanh nghiệp vẫn duy trì sản xuất để phục vụ giai đoạn cuối năm. Một số đơn vị hiện đang sử dụng từ 20 - 30 lao động, thu nhập bình quân đạt khoảng 12 triệu đồng/người/tháng. Tuy nhiên, sản lượng khai thác từ nay đến cuối năm chỉ còn 40% công suất, do đó, các doanh nghiệp mong muốn tỉnh xem xét cơ chế nâng công suất đối với những đơn vị đủ điều kiện về thiết bị, nhân lực và an toàn khai thác nhằm tránh tình trạng khan hiếm nguồn cung, ảnh hưởng đến tiến độ các công trình.
Không chỉ ở lĩnh vực khai thác đá, các nhà máy sản xuất bê tông thương phẩm, gạch không nung, gạch terrazzo… cũng ghi nhận mức tăng trưởng sản lượng từ 10 - 15% so với cùng kỳ. Hoạt động tiêu thụ vật liệu xây dựng thuận lợi hơn nhờ tiến độ thi công các dự án hạ tầng được đẩy mạnh trong nửa đầu năm.
Dù hiện tại một số địa phương đang trong giai đoạn sắp xếp lại tổ chức bộ máy, khiến tiến độ xây dựng có chững lại, các nhà máy vẫn duy trì sản xuất để ổn định nguồn cung vật liệu xây dựng. Lực lượng lao động thường xuyên tại các đơn vị dao động từ 40 - 50 người, với mức thu nhập trung bình 5 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Sản xuất gạch tại một nhà máy gạch trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa.
Hướng đến phát triển ổn định, bền vững
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 500 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng, thuộc 12 nhóm ngành chính như: xi măng, gạch ốp lát, gạch không nung, khai thác - chế biến đá, cát, sỏi… Trong 6 tháng đầu năm 2025, sản lượng tiêu thụ các mặt hàng vật liệu xây dựng thiết yếu như cát, đá, gạch xây dựng đều tăng, góp phần đưa mức tăng trưởng của ngành Công nghiệp - Xây dựng toàn tỉnh đạt 8,82%.
Dự báo trong những tháng cuối năm, ngành Vật liệu xây dựng tại Thanh Hóa sẽ tiếp tục đón nhận nhiều yếu tố thuận lợi nhờ chính sách phục hồi kinh tế, sự trở lại của thị trường bất động sản và hàng loạt dự án đầu tư công quy mô lớn được triển khai. Để nắm bắt cơ hội, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cần tập trung nâng cao năng lực sản xuất, cải tiến công nghệ, tối ưu chi phí và tăng tính chủ động trong nguồn cung. Đây là bước chuẩn bị quan trọng nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh, đồng thời góp phần thúc đẩy tiến độ xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Cem.Info