» Quý 1, ngành Thép Việt Nam ghi nhận tín hiệu tích cực từ thị trường trong nước nhờ động lực giải ngân đầu tư công, trong khi xuất khẩu lại sụt giảm mạnh do áp lực từ các biện pháp phòng vệ thương mại quốc tế. Các doanh nghiệp lớn đang buộc phải tái cơ cấu chiến lược để thích ứng với diễn biến thị trường đầy biến động.
Theo số liệu từ Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), sản lượng thép thô sản xuất trong quý 1 đạt 5,81 triệu tấn, tăng 9,1% so với cùng kỳ năm 2024. Sản lượng thép thành phẩm đạt 7,464 triệu tấn, tăng 5,7%. Tổng lượng tiêu thụ thép đạt 7,501 triệu tấn, tăng mạnh 12,2%.
Động lực chính đến từ việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công, đạt tỷ lệ 17,6%, cao hơn 2,8 điểm phần trăm so với cùng kỳ. Các công trình hạ tầng lớn như cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2, sân bay Long Thành và các tuyến vành đai tại Hà Nội, TP.HCM đã tạo nhu cầu mạnh mẽ đối với thép xây dựng.
Phân khúc thép xây dựng ghi nhận mức tăng trưởng nổi bật: sản lượng đạt 3,003 triệu tấn (tăng 10,6%), tiêu thụ đạt 3,075 triệu tấn (tăng 19,9%). Hòa Phát tiếp tục giữ vị trí dẫn đầu với sản lượng hơn 1,19 triệu tấn, chiếm 38,76% thị phần; theo sau là VNSteel với 355.660 tấn (11,57%).
Trong khi đó, ống thép đạt sản lượng 579 ngàn tấn (tăng 6,9%), lượng tiêu thụ 626 ngàn tấn (tăng 18,1%). Hòa Phát tiếp tục đứng đầu thị phần ống thép với 29,65%. Các sản phẩm khác cũng ghi nhận kết quả tích cực: HRC tiêu thụ đạt 1,909 triệu tấn (tăng 9,2%), CRC đạt 694 ngàn tấn (tăng 21%). Tuy nhiên, tôn mạ lại sụt giảm, chỉ đạt 1,196 triệu tấn (giảm 5,6%).
Giá thép xây dựng trong nước dao động quanh mức 13,6 - 14 triệu đồng/tấn, tăng nhẹ vào tháng 3 từ 50 - 100 đồng/kg.
Ngược lại với đà tăng trưởng trong nước, xuất khẩu thép quý 1 giảm mạnh. Tổng lượng xuất khẩu chỉ đạt 1,745 triệu tấn (giảm 18,83%), trong đó thép thành phẩm giảm sâu 37,2%, còn 1,414 triệu tấn. Nguyên nhân chủ yếu là do nhiều quốc gia đồng loạt siết chặt các biện pháp phòng vệ thương mại.
Mỹ mở rộng phạm vi áp thuế theo Đạo luật 232, EU áp dụng chính sách mới từ tháng 4, và Ấn Độ công bố biện pháp tự vệ với thép mạ và cán nguội. Các dòng sản phẩm bị ảnh hưởng nặng nhất là tôn mạ (giảm 41,5% lượng xuất khẩu) và HRC (chỉ đạt 198 ngàn tấn, tương đương 26,5% so với cùng kỳ).
Giá nguyên liệu đầu vào trên thị trường quốc tế có biến động: giá quặng sắt tháng 3 trung bình ở mức 102,4 USD/tấn (giảm 6,5%), giá than luyện coke là 223,9 USD/tấn (giảm 36,5%). Tuy nhiên, giá bán thép thành phẩm vẫn thấp, khiến biên lợi nhuận xuất khẩu bị co hẹp.
Trước bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng. Hòa Phát đẩy mạnh tiêu thụ nội địa, ưu tiên dự án đầu tư công. Hoa Sen Group mở rộng xuất khẩu sang Đông Nam Á và Nam Á, tăng tỷ trọng khu vực này từ 30% lên 45%. Nam Kim tập trung phát triển dòng thép phủ màu (PPGI) nhằm nâng cao giá trị gia tăng.
Theo VSA, thị trường thép quý 1 thể hiện sự phân hóa rõ rệt giữa nội địa và xuất khẩu. Triển vọng quý 2/2025 sẽ tiếp tục chịu tác động từ tốc độ giải ngân đầu tư công, nhu cầu thị trường xây dựng và các yếu tố bên ngoài như chính sách thuế nhập khẩu của Mỹ (có hiệu lực sau 90 ngày tạm hoãn).
Để duy trì tăng trưởng, VSA khuyến nghị các doanh nghiệp cần chủ động tìm kiếm thị trường mới, giảm phụ thuộc vào các đối tác truyền thống đang áp dụng biện pháp bảo hộ; đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết giảm chi phí và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Sự phối hợp giữa các doanh nghiệp với VSA trong việc theo dõi sát sao diễn biến thị trường, có tiếng nói chung trên trường quốc tế và điều chỉnh chiến lược kịp thời là yếu tố then chốt để ngành thép Việt Nam thích ứng và phát triển bền vững trong bối cảnh mới.
ximang.vn (TH)