Khai thác và sản xuất cát, đá, sét, sỏi, luôn tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của người dân quanh khu vực. Để hạn chế tình trạng này, thời gian qua, Quảng Ninh luôn đặt ra điều kiện khắt khe đối với các cơ sở sản xuất, phải đảm bảo đầy đủ các thủ tục, chấp hành nghiêm các quy định của địa phương và theo báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM). Nếu đơn vị nào vi phạm sẽ đình chỉ, kiên quyết thu hồi giấy phép theo quy định của pháp luật.

Khai trường sản xuất đá của Công ty CP Xây dựng Quảng Ninh tại xã Thống Nhất đã được lắp đặt xây dựng nhà khung, hệ thống phun nước dập bụi.
Ở Quảng Ninh, ngành vật liệu xây dựng chủ yếu là khai thác đá, cát, sét, sỏi; sản xuất xi măng và các trạm trộn bê tông. Trữ lượng các mỏ đá vôi, đất sét, cao lanh tương đối lớn, phân bố rộng khắp ở các địa phương trong tỉnh. Cụ thể, như: Mỏ đá vôi ở Hoành Bồ, Cẩm Phả; mỏ cao lanh ở các huyện miền núi Hải Hà, Bình Liêu, Ba Chẽ, Tiên Yên, Móng Cái; các mỏ sét phân bố tập trung ở Đông Triều, Hoành Bồ và Hạ Long. Đây là nguồn nguyên liệu quan trọng để sản xuất vật liệu xây dựng, cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.
Đối với các mỏ này, hiện có 72 giấy phép khai thác được cấp cho các dự án còn hiệu lực, trong đó có 58 giấy phép do UBND tỉnh cấp phép, 14 dự án do Bộ TN&MT cấp phép. Bên cạnh đó, trên địa bàn tỉnh có 4 nhà máy sản xuất xi măng và 78 trạm trộn bê tông phục vụ cho mục đích kinh doanh và các dự án, công trình trọng điểm.
Từ thực trang trên, nếu không có các chế tài quản lý chặt chẽ và thường xuyên kiểm tra việc chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường trong khai thác, sản xuất sẽ ảnh hưởng rất lớn đến môi trường. Bởi vậy, HĐND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng liên quan đến nội dung này, như: Nghị quyết số 236/2015/NQ-HĐND ngày 12/12/2015 của HĐND tỉnh về những chủ trương, giải pháp tăng cường công tác quản lý bảo vệ môi trường tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2016 - 2020; Nghị quyết số 146/2018/NQ-HĐND ngày 7/12/2018 của HĐND tỉnh về việc ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ việc chấm dứt hoạt động của các cơ sở sản xuất vôi thủ công trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, trong giai đoạn 2015 - 2018, UBND tỉnh đã ban hành 2 chỉ thị, 15 quyết định, 7 kế hoạch và hơn 100 văn bản các loại triển khai thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác bảo vệ môi trường tại các địa phương của tỉnh. Ngoài ra, các địa phương cũng chủ động ban hành nhiều văn bản, nghị quyết, chỉ thị, chương trình hành động triển khai thực hiện các nhiệm vụ bảo vệ môi trường.

Dây chuyền trộn bê tông nhựa at-phan của Công ty CP Đầu tư xây dựng, Du lịch và Thương mại Thẩm Gia được đầu tư đồng bộ, hiện đại.
Ông Nguyễn Ngọc Thu, Giám đốc Sở TN&MT, cho biết: Vấn đề bảo vệ môi trường cực kỳ nhạy cảm và phức tạp, nhất là liên quan đến các hoạt động khai thác, sản xuất cát, đá, sỏi, sét làm vật liệu xây dựng. Hiện các cơ sở đã có nhiều biện pháp tích cực trong công tác bảo vệ môi trường, như việc chủ động hoàn thiện hồ sơ về bảo vệ môi trường; ký quỹ môi trường. Qua công tác kiểm tra, rà soát thường xuyên của đơn vị, hiện trên địa bàn có 20/20 mỏ khai thác đá có giấy phép còn hiệu lực đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và chương trình phục hồi môi trường; có 4/4 mỏ khai thác cát do UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác còn hiệu lực đã được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và chương trình phục hồi môi trường; 4/4 mỏ khai thác Pyrophylit được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và chương trình phục hồi môi trường.
Theo kết quả điều tra, kiểm soát của ngành chức năng, thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các cơ sở khai thác, sản xuất đá có giấy phép hoạt động đều xây dựng hệ thống thu gom, lắng nước thải; hệ thống phun nước dập bụi tại máng cấp liệu, hàm kẹp giảm thiểu bụi phát tán ra môi trường theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 04/TB-UBND ngày 11/1/2012. Đồng thời, đầu tư máy móc, thiết bị với công nghệ hiện đại để hạn chế những tác động xấu đến môi trường.
Đối với các cơ sở khai thác sét, hầu hết đã bố trí những khu lắng đọng nước thải trước khi thải ra môi trường; thu gom, quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại theo đúng quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2016 của Bộ TN&MT. Các đơn vị có trạm trộn bê tông đã xây dựng hệ thống thu gom nước thải, bể lắng nước thải để tái sử dụng; thiết bị phối trộn bê tông xi măng đã được đơn vị thiết kế, chế tạo lắp đặt hệ thống bao che, không làm phát tán bụi ra môi trường. Riêng các trạm trộn bê tông nhựa đã được thiết kế đồng bộ hệ thống xử lý khí thải trong quá trình đốt nóng và phối trộn nguyên liệu.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn. Nếu cơ sở nào vi phạm, không tuân thủ nghiêm ngặt, đầy đủ theo quy trình sản xuất và theo đúng giấy phép được cấp thì sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo kết quả điều tra, kiểm soát của ngành chức năng, thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường, các cơ sở khai thác, sản xuất đá có giấy phép hoạt động đều xây dựng hệ thống thu gom, lắng nước thải; hệ thống phun nước dập bụi tại máng cấp liệu, hàm kẹp giảm thiểu bụi phát tán ra môi trường theo chỉ đạo của UBND tỉnh tại Thông báo số 04/TB-UBND ngày 11/1/2012. Đồng thời, đầu tư máy móc, thiết bị với công nghệ hiện đại để hạn chế những tác động xấu đến môi trường.
Đối với các cơ sở khai thác sét, hầu hết đã bố trí những khu lắng đọng nước thải trước khi thải ra môi trường; thu gom, quản lý, xử lý rác thải sinh hoạt, chất thải nguy hại theo đúng quy định tại Thông tư số 36/2015/TT-BTNMT ngày 30/6/2016 của Bộ TN&MT. Các đơn vị có trạm trộn bê tông đã xây dựng hệ thống thu gom nước thải, bể lắng nước thải để tái sử dụng; thiết bị phối trộn bê tông xi măng đã được đơn vị thiết kế, chế tạo lắp đặt hệ thống bao che, không làm phát tán bụi ra môi trường. Riêng các trạm trộn bê tông nhựa đã được thiết kế đồng bộ hệ thống xử lý khí thải trong quá trình đốt nóng và phối trộn nguyên liệu.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Huy Hậu, thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngành, địa phương tăng cường công tác kiểm tra, rà soát các cơ sở khai thác, sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn. Nếu cơ sở nào vi phạm, không tuân thủ nghiêm ngặt, đầy đủ theo quy trình sản xuất và theo đúng giấy phép được cấp thì sẽ kiên quyết xử lý theo quy định của pháp luật.
ximang.vn (TH/ Báo Quảng Ninh)