Nhà máy Xi măng Tân Thắng có công suất 5.000 tấn clinker/ngày tương đương 2 triệu tấn xi măng/năm; Sau thời gian chạy thử, hiện nay toàn bộ dây chuyền sản xuất của nhà máy đã đi vào hoạt động ổn định. Từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã sản xuất hơn 500.000 tấn clinker, 261.000 tấn xi măng; sản lượng tiêu thụ hơn 212.000 tấn clinker, hơn 257.000 tấn xi măng.
Hiện nay, nhà máy Xi măng Tân Thắng (Quỳnh Lưu) đang sử dụng những dây chuyền tiên tiến nhất hiện nay nhờ ứng dụng các giải pháp công nghệ mới cho năng suất cao, tiết kiệm năng lượng. Lò nung clinker của FLSmidth - Đan Mạch, công nghệ tiên tiến, mới nhất trong thiết kế lò quay xi măng; Hệ thống nghiền xi măng là máy nghiền đứng thế hệ mới nhất trên Thế giới, được cung cấp bởi hãng Loesche – Đức; Hệ thống máy đóng bao của hãng Haver & Boecker – Đức, hiện đại, độ chính xác cao…
Đặc biệt, hệ thống điện tự động hóa của ABB (Thụy Sỹ) - cốt lõi của công nghệ 4.0 - ở mức độ cao cấp, điều khiển tập trung để kiểm soát đồng bộ hoạt động của nhà máy, kết nối các công nghệ điện tử, cơ khí, môi trường với nhau. Hệ thống này chỉ tiêu hao điện tối thiểu 90 kw/tấn xi măng, tiêu hao nhiệt dưới 730 kcal/kg clinker và được đánh giá là mức tiêu hao thấp của ngành xi măng hiện nay.

Nhà máy Xi măng Tân Thắng đang triển khai dự án phát triển nhiệt điện khí thải theo hình thức BOT nhằm tận dụng nhiệt khí thải lò quay để phát điện tại nhà máy, đồng thời giảm thiểu bụi khí thải ra môi trường, tiết kiệm khoảng 30% tổng điện năng tiêu thụ.
Ông Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng phòng Công nghệ, Công ty Xi măng Tân Thắng cho biết, công nghệ thiết bị tiên tiến giữ vai trò quan trọng, song yếu tố quyết định lại là khả năng quản lý, làm chủ công nghệ. Cùng một công nghệ, cùng một nguồn gốc thiết bị, cùng công suất, nhưng vẫn có nhà máy này hoạt động hiệu quả hơn, đạt mức lợi nhuận lớn hơn nhà máy khác.
Ngoài việc hạn chế thiết bị chạy không tải, hạn chế máy móc công suất lớn vận hành vào giờ cao điểm, xây dựng các quy trình vận hành, lập kế hoạch chi tiết về bảo trì, bảo dưỡng thiết bị..., chúng tôi chú trọng đào tạo tay nghề kỹ sư vận hành, các thông số vận hành ổn định, năng suất… đáp ứng sản lượng cho lò nên không hoạt động vào các giờ cao điểm, sản lượng đảm bảo tối đa.
Ông Hùng tính toán, định mức 1 tấn clinker tiêu tốn khoảng 60 - 61 Kwh/tấn, nhưng ở Công ty Xi măng Tân Thắng là 57 - 58 Kwh/tấn. Công nghệ cũ sản xuất xi măng tiêu thụ 33 - 34Kwh/tấn nhưng Tân Thắng là 30 - 31 KWh/tấn sản phẩm. Như vậy, từ đầu vào đến đầu ra sản phẩm bình thường tiêu tốn khoảng 95Kwh/tấn sản phẩm thì ở nhà máy xi măng Tân Thắng tối thiểu là 90Kwh/tấn. Và sắp tới Công ty đang lập dự án xây dựng nhà máy điện tận dụng khí thải của lò nung xi măng thì việc tiết kiệm điện của nhà máy sẽ còn giảm được 1/3 điện năng tiêu thụ.
Ông Mai Anh Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Tiết kiệm năng lượng Nghệ An chia sẻ, việc áp dụng các giải pháp tiết kiệm điện trong công nghiệp là rất cần thiết vì giúp các doanh nghiệp nâng cao lợi nhuận; đồng thời giúp bảo vệ môi trường, bảo vệ nguồn năng lượng quốc gia. Tuy nhiên, ngoại trừ một số ít nhà máy mới đầu tư và có mô hình quản lý tốt, thì vẫn còn một số nhà máy sản xuất xi măng hiện đang hoạt động có suất tiêu thụ điện năng cao. Vì vậy, tiết kiệm điện vẫn là điều hết sức cần thiết mà các doanh nghiệp nên ứng dụng vào quy trình hoạt động mỗi ngày.
ximang.vn (TH/ Báo Nghệ An)