Trong khi đó, nếu như tổng công suất gạch đỏ khoảng 25 tỷ viên/năm cho khoảng 4.000 nhà máy thì con số của VLXKN là 2.500 nhà máy cho 15 tỷ viên/năm. Như vậy, mục tiêu của Chính phủ đang gặp nhiều trở ngại khi đẩy mạnh sản xuất và sử dụng VLXKN thay thế một phần gạch đất sét nung đạt tỷ lệ 35 - 40% vào năm 2025, 40 - 45% vào năm 2030 trong tổng số vật liệu xây...
Theo ông Võ Minh Đức, Phó Chủ tịch Hiệp hội Xây dựng tỉnh Bình Dương, một trong những nguyên nhân quan trọng khiến việc sản xuất và tiêu thụ VLXKN gặp khó có thể thấy ngay tại khâu thiết kế. Một bộ phận kiến trúc sư và kỹ sư xây dựng chưa tự tin và khó chỉ định thiết kế, dự toán khối lượng VLXKN cho công trình. Các đơn vị tư vấn thiết kế vẫn quen dùng thông số kỹ thuật của gạch nung, do đó khi đưa VLXKN vào công trình thì e ngại phải thay đổi thiết kế.
Bên cạnh đó, các tiêu chuẩn sản phẩm, quy chuẩn xây dựng kết cấu, kiến trúc, đơn giá xây dựng của nhiều loại VLXKN chưa được ban hành đồng bộ, đầy đủ. Ngoài ra, việc thuyết phục chủ đầu tư lựa chọn VLXKN cũng là một rào cản lớn đối với cơ quan tư vấn, bởi trên thực tế giá VLXKN chưa được tính đúng, tính đủ vào giá thành xây dựng. Ví dụ, việc tính một tấm panel có kích thước gấp 8 lần viên gạch thường được tính thi công nhanh hơn 8 lần là không chính xác. Bởi 1 viên gạch chỉ cần 1 người thợ là có thể xây, còn 1 tấm panel thì ít nhất phải có 2 người, chưa kể phải tính toán và có các phụ kiện để khớp nối.
Đặc biệt, đối với đơn vị thi công, việc sử dụng VLXKN đòi hỏi kỹ năng xây tô, lắp đặt khác với truyền thống nên nhà thầu và thợ xây dựng gặp không ít khó khăn trong quá trình thi công; khi gặp sự cố xây dựng, gạch đỏ dễ dàng phá đi xây lại còn VLXKN phải cần đến máy khoan cắt mới phá được; nhiều loại VLXKN mới chưa được ban hành chỉ dẫn kỹ thuật, biện pháp thi công, nghiệm thu… cũng gây lúng túng, bất tiện.
ximang.vn (TH)