Theo số liệu thống kê, để sản xuất ra 1 tỷ viên gạch nung quy chuẩn sẽ, sử dụng 1,5 triệu m³ đất khai thác ở độ sâu 2m, tương đương với 75 ha đất nông nghiệp. Không những thế, việc nung gạch còn gây tốn nhiên liệu đốt và làm gia tăng khí phát thải CO2 ra môi trường. Sử dụng gạch không nung sẽ làm giảm tình trạng mất đất nông nghiệp, giảm phát thải, khí thải nhà kính.
Năm 2015, Việt Nam sử dụng là 4,98 tỷ viên gạch không nung, đạt 21% tỷ lệ viên vật liệu xây dựng, đạt chỉ tiêu thứ nhất của Chương trình 567. Tuy nhiên, từ năm 2020 đến nay, tỷ lệ sử dụng vật liệu xây dựng không nung có xu hướng giảm dần.
Theo số liệu của Vụ Vật liệu xây dựng, năm 2021, tỷ lệ xây không nung chiếm 15,4% và tỷ lệ này là 16,25% trong 8 tháng đầu năm 2022.
Tỉ lệ sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường cho các công trình xây dựng tại Việt Nam vẫn còn thấp.
Phân tích nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ các công trình sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp chưa cao, TS. Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam cho biết, cái quan trọng nhất là người tiêu dùng người sử dụng vẫn chưa thấy được hiệu quả tổng thể của công trình khi mình sử dụng vật liệu này. Ví dụ, mình sử dụng vật liệu nhẹ thì giá một đơn vị vật liệu xây dựng có thể cao hơn cái vật liệu bình thường, như gạch đất sét nung chẳng hạn. Nhưng khi đưa vào công trình thì giảm tải trọng giảm nền móng, công tác hoàn thiện thi công nhanh. Người sử dụng hiện nay vẫn chưa nắm được hết những cái đấy, cho nên vẫn e ngại khi thấy giá thành của đơn vị vật liệu xây dựng hơi cao.
Theo các chuyên gia, hiện nay Việt Nam chưa có những tiêu chí cụ thể về vật liệu xanh và cũng chưa thực hiện được việc dán nhãn vật liệu xanh như nhiều quốc gia trên thế giới. Điều này khiến các chủ đầu tư, người dân gặp khó khăn trong việc lựa chọn các loại vật liệu xây dựng, cũng như còn nhiều hoài nghi về chất lượng vật liệu xanh, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm.
Phát biểu tại một hội thảo về vật liệu xây dựng mới đây, TS. Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hội Xi măng Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần có sự ưu đãi, hỗ trợ đối với những đơn vị tham gia sản xuất vật liệu xây dựng xanh. Vì hiệu quả làm giảm các bon thấp, người xây dựng chưa được quyền lợi gì. Có cách nào vừa để giảm các bon, vừa giảm phát thải, mà người xây dựng, người sản xuất vật liệu xây dựng, ngoài hưởng lợi từ môi trường, phải được hưởng lợi ích kinh tế, TS Nguyễn Quang Cung nói.
Ông Nguyễn Thế Điệp, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Hà Nội cho rằng, các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng phát thải thấp cũng cần phải đầu tư đổi mới công nghệ nhằm làm giảm giá thành về gần với giá vật liệu xây dựng thông thường. Ngoài ra, cũng cần từng bước hoàn thiện những chính sách, quy định theo hướng tạo động lực cho cả người sản xuất và sử dụng vật liệu xây dựng phát thải thấp, thân thiện với môi trường:
Chúng ta phải xây dựng cơ chế, chính sách đồng bộ, thứ nhất là khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất cái đó và lộ trình bắt buộc các doanh nghiệp phải sử dụng vật liệu xanh, thì chúng ta sẽ thay đổi được tư duy. Cần có những chính sách, cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xanh để tạo động lực, chính sách tốt cho người ta phát triển, đòi hỏi công nghệ, kỹ thuật, nguồn lực để mà đầu tư sản xuất lĩnh vực vật liệu xanh.
Ngoài ra, cũng cần tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của các nhà đầu tư vấn thiết kế, người sử dụng toàn xã hội giúp mọi người hiểu rõ hơn về tính năng về lợi ích của các sản phẩm xanh khi đưa vào sử dụng.
ximang.vn (TH/ VOV)