Các doanh nghiệp cho biết ngành Xi măng vẫn đang đối mặt với khó khăn do nguồn cung cao, trong khi thị trường xi măng trong nước và xuất khẩu tiếp tục cạnh tranh khốc liệt về giá, áp lực tồn kho sản phẩm, dư thừa năng lực sản xuất. Như vậy, bức tranh màu xám lại tiếp tục ám ảnh doanh nghiệp trong ngành. Cụ thể, lượng tiêu thụ xi măng từ năm 2022 đến nay liên tục sụt giảm làm cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng gặp khó.
Tính đến năm 2024 cả nước có 61 nhà máy sản xuất xi măng, tổng công suất khoảng 117 triệu tấn xi măng/năm nhưng
tiêu thụ xi măng năm 2023 chỉ đạt khoảng 87,8 triệu tấn, trong đó tiêu thụ xi măng nội địa đạt 56,6 triệu tấn, xuất khẩu 31,2 triệu tấn.
Lượng tiêu thụ xi măng nội địa năm 2023 chỉ bằng 84% năm 2022, còn lượng xuất khẩu xi măng năm 2023 bằng 99% năm 2022. Nhiều
doanh nghiệp xi măng nằm trong danh sách lợi nhuận âm năm 2023 và mã chứng khoán không đủ điều kiện giao dịch ký quỹ (margin) theo Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội công bố tháng 4 vừa qua.
9 tháng đầu năm 2024, lượng tiêu thụ xi măng nội địa cũng chỉ xấp xỉ với năm ngoái và tiếp tục duy trì ở mức thấp. Kênh xuất khẩu cũng giảm, 9 tháng mới đạt 22,5 triệu tấn, trị giá 863 triệu USD, giảm 4,3% về lượng, giảm 15,1% về trị giá so với cùng kỳ.
Khó khăn tiếp tục đeo bám doanh nghiệp ngành Xi măng do nguồn cung cao, trong khi thị trường xi măng trong nước và xuất khẩu tiếp tục cạnh tranh khốc liệt về giá, áp lực tồn kho sản phẩm, dư thừa năng lực sản xuất. Theo dự báo của Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) và nhiều doanh nghiệp, khó khăn vẫn còn tiếp tục đeo bám thị trường xi măng hết năm 2024.
Lĩnh vực
xuất khẩu xi măng, clinker tiếp tục gặp khó, bởi thị trường bất động sản Trung Quốc chưa có dấu hiệu phục hồi, xi măng Trung Quốc cũng bị dư thừa và dự báo sẽ cạnh tranh với xi măng Việt Nam vào các thị trường xuất khẩu như Philippines, Trung Mỹ, Nam Phi...
Thị trường nội địa ảm đạm, tiêu thụ chỉ quanh 60 triệu tấn/năm, trong khi khả năng sản xuất thực tế có thể lên tới 130 triệu tấn, nếu không xuất khẩu được, nguy cơ phá sản tăng. Khi kinh tế phục hồi, nhu cầu tăng, có thể thiếu xi măng như giai đoạn trước năm 2010. Tình trạng này, nhiều ông lớn đặt kế hoạch lợi nhuận bi quan, ngậm ngùi báo lỗ.
Xoay sở với khó khăn, dù tiêu thụ chậm nhưng đối mặt chi phí tăng cao, một số doanh nghiệp đã lên giá bán sản phẩm để bù đắp như Vicem Bỉm Sơn, Vicem Bút Sơn, The Vissai, Xi măng Thành Thắng, Xi măng Xuân Thành...
Hiệp hội Xi măng Việt Nam (VNCA) cho biết, việc các nhà sản xuất tăng giá bán xi măng là tất yếu, bởi mấy năm qua, xi măng đã bán dưới giá thành sản xuất, nếu không điều chỉnh giá bán để bù đắp phần nào chi phí đầu vào, doanh nghiệp sẽ không cầm cự nổi. Mức tăng giá trong đợt điều chỉnh này được các doanh nghiệp ấn định ở mức 50.000 đồng/tấn.
Để gỡ khó cho các doanh nghiệp sản xuất xi măng, Hiệp hội Xi măng Việt Nam kiến nghị Thủ tướng và các Bộ, ngành có giải pháp tăng tiêu thụ nội địa xi măng thông qua sử dụng giải pháp cầu cạn trong đầu tư cao tốc, đặc biệt ở những vùng đất yếu, vùng cần thoát lũ như miền Trung, Đồng bằng sông Cửu Long… Đồng thời, kiến nghị sửa đổi Nghị định 26/2023/NĐ-CP về việc áp dụng mức thuế suất thuế xuất khẩu clinker xi măng là 0%.