Tại Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI (thành viên của Tổng Công ty Công nghiệp mỏ Việt Bắc - TKV) chỉ ở mức cầm chừng. Ông Đỗ Ngọc Huy, Phó Giám đốc Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI, cho biết, cuối năm 2023, nhận thấy thị trường sản xuất vật liệu xây dựng chưa có nhiều khởi sắc, ban lãnh đạo Công ty đã thận trọng trong việc tham mưu, đề xuất với Tổng Công ty xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh. Cụ thể, năm 2024, Xi măng Quán Triều đặt mục tiêu sản lượng xi măng tiêu thụ ở mức ổn định so với năm 2023 (tương đương 700.000 tấn). Dù vậy, tính đến hết 6 tháng năm nay, sản lượng xi măng xuất bán ra thị trường cũng chỉ đạt 40% so với kế hoạch (tương đương 280.000 tấn).
Khó khăn của Công ty CP xi măng Quán Triều - VVMI cũng là khó khăn chung đối với nhiều doanh nghiệp hoạt động cùng lĩnh vực như: Công ty CP Xi măng La Hiên - VVMI; Xi măng Quang Sơn... Tại Công ty CP Xi măng La Hiên - VVMI, trong 6 tháng đầu năm, sản lượng xi măng tiêu thụ đạt xấp xỉ 42% kế hoạch năm, tương đương 275.600 tấn; doanh thu đạt khoảng 282 tỷ đồng, đạt 41%.
Nguyên nhân khiến cho thị trường tiệu thụ xi măng gặp khó là do tình hình lạm phát kinh tế thế giới và trong nước thời gian qua khiến nhu cầu xây dựng của người dân và doanh nghiệp trên nhiều lĩnh vực bị suy giảm. Bên cạnh đó, tình trạng giải ngân nguồn vốn đầu tư chậm, thị trường bất động sản phục hồi cũng chậm khiến thị trường xi măng càng trở nên ảm đảm.
Ngoài ra, hiện nay sản lượng xi măng trong nước đang tiếp tục rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Trong khi đó hoạt động xuất khẩu xi măng, clinker của Việt Nam đang bị nhiều nước áp dụng chính sách bảo hộ sản xuất xi măng trong nước, hàng rào kỹ thuật thương mại, thuế chống bán phá giá tạm thời.... khiến cho xi măng trong nước càng tồn kho cao.
Thị trường tiêu thụ khó khăn làm cho mức độ canh tranh giữa các doanh nghiệp xi măng càng trở nên gay gắt. Để thích ứng với thị trường cũng như tạo công ăn việc làm cho người lao động, các doanh nghiệp phải có nhiều giải pháp như: Không ngừng tìm kiếm, mở rộng thị phần tiệu thu; đưa ra các chính sách “kích cầu” tiêu dùng như khuyến mãi, giảm giá bán sản phẩm hoặc điều chỉnh công suất của lò máy và thời gian làm việc của người lao động...
Ông Hoàng Trung Kiên, Quản đốc phân xưởng Sản xuất clinker Công ty CP Xi măng Quán Triều - VVMI chia sẻ, từ đầu năm đến nay, do tiêu thụ xi măng gặp nhiều khó khăn nên nhà máy đã điều chỉnh tạm dừng lò sản xuất 3 lần. Dù vậy Xi măng Quán Triều vẫn thực hiện các giải pháp cho người lao động như luân phiên làm việc, khuyến khích nghỉ phép để bảo đảm đủ việc làm và nhận lương theo quy định.
Tương tự tại Công ty CP Xi măng La Hiên - VVMI; Xi măng Quang Sơn.. theo ghi nhận, áp lực lớn nhất hiện nay là vừa phải hạ giá bán sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường nhưng vẫn phải bảo đảm các chi phí sản xuất khác, trong đó có lương, thu nhập của người lao động. Điều này khiến các đơn vị này chấp nhận giảm lợi nhuận và tăng cường hơn nữa các giải pháp về tiết kiệm, chống lãi phí trong sản xuất - kinh doanh.
Theo nhận định của phần lớn các doanh nghiệp xi măng trên địa bàn tỉnh, khả năng hoàn thành kế hoạch năm nay là rất khó khăn. Bởi lẽ thị trường xây dựng từ nay đến cuối năm 2024 được gia dự báo sẽ không có nhiều khởi sắc. Ở trong nước, nhu cầu xi măng cho dù có thể được cải thiện nhưng vẫn khó có sự tăng trưởng cao để có thể tiêu thụ hết công suất của các nhà máy hiện có. Do đó, các doanh nghiệp đang nỗ lực hoàn thành kế hoạch năm ở mức cao nhất (duy trì đạt từ 70 - 80% so với kế hoạch đề ra).
Để hoàn thành mục tiêu này, các doanh nghiệp xi măng tăng cường triển khai các giải pháp về tìm kiếm, mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu; tiết kiệm, chống lãng phí để giảm giá thành sản phẩm... Tuy nhiên, đó cũng chỉ là giải pháp mang tính tạm thời. Để giúp các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng nói chung, xi măng nói riêng thực sự tháo gỡ được khó khăn thì cần có những giải pháp mang tính vĩ mô, căn cơ về khơi thông thị trường xây dựng.
ximang.vn (TH/ báo Thái Nguyên)