Theo khảo sát thực hiện vào tháng 3/2025, có tới 84,6% doanh nghiệp ngành Vật liệu xây dựng nhận định đầu tư công là yếu tố quan trọng nhất thúc đẩy tăng trưởng trong năm nay. Con số này phản ánh sự đồng thuận rộng rãi về tầm quan trọng của đầu tư công, đặc biệt khi năm 2025 là giai đoạn nước rút của kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, với tổng vốn đầu tư hơn 885.755 tỷ đồng. Các dự án trọng điểm về giao thông, phát triển vùng, đô thị và khu công nghiệp đang tạo ra sức cầu lớn cho vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, cát, đá và các vật liệu hoàn thiện khác. Sự gia tăng đầu tư không chỉ đẩy mạnh xây dựng dân dụng mà còn tạo hiệu ứng lan tỏa đến toàn bộ hệ sinh thái ngành xây dựng, từ bê tông, nhựa đường cho đến sơn phủ và nội thất.
Song song đó, 61,5% doanh nghiệp cũng đánh giá cao các chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, đặc biệt là việc sửa đổi và ban hành các đạo luật trọng yếu như Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản đều có hiệu lực từ năm 2024. Những thay đổi này giúp tháo gỡ vướng mắc trong phê duyệt dự án, giải phóng mặt bằng và khơi thông dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực bất động sản - xây dựng. Ngoài ra, các chính sách tín dụng như hạ lãi suất, gia hạn nợ và hỗ trợ tiếp cận vốn ưu đãi cũng giúp các doanh nghiệp vật liệu duy trì hoạt động ổn định và mở rộng sản xuất trong bối cảnh còn nhiều biến động.

Ở hướng đi mới, tiềm năng xuất khẩu đang được các doanh nghiệp chú trọng. 92,3% doanh nghiệp trong ngành cho biết đã lên kế hoạch mở rộng ra thị trường quốc tế trong vòng 1 - 3 năm tới, chủ yếu hướng đến các thị trường châu Á (45%), châu Mỹ (26,7%) và châu Âu (23,1%). Việc mở rộng xuất khẩu không chỉ là phản ứng trước nhu cầu quốc tế, mà còn cho thấy định hướng chiến lược của doanh nghiệp Việt trong tiến trình hội nhập và quốc tế hóa sản phẩm. Bên cạnh đó, tốc độ đô thị hóa nhanh và dòng vốn FDI tăng mạnh vào Việt Nam cũng được doanh nghiệp đánh giá là những yếu tố nền tảng thúc đẩy nhu cầu về xây dựng, nhà ở, và công nghiệp phụ trợ.
Dữ liệu thực tế từ năm 2024 cho thấy ngành Vật liệu xây dựng đã phục hồi tích cực. Sản lượng thép thô đạt 21,98 triệu tấn, tăng 14% so với năm 2023. Xi măng đạt 91 triệu tấn (+2%), gạch ốp lát đạt 450 triệu m² (+15%), và sản lượng sứ vệ sinh đạt 14,5 triệu sản phẩm (+15%). Về kết quả kinh doanh, tỷ lệ doanh nghiệp có doanh thu tăng đạt 45,9%, trong khi tỷ lệ doanh thu giảm chỉ còn 11,2% giảm mạnh so với mức 30,6% của năm trước. Đáng chú ý, có tới 49% doanh nghiệp ghi nhận lợi nhuận tăng trên 25%, tăng hơn 27 điểm phần trăm so với năm 2023. Những số liệu này cho thấy sự phục hồi rõ nét cả về sản xuất lẫn tài chính của doanh nghiệp trong ngành.
Tuy nhiên, biến động giá vật liệu xây dựng vẫn là thách thức lớn. Giá thép đã tăng từ 300.000 - 400.000 đồng/tấn kể từ tháng 8/2024; xi măng tăng 50.000 đồng/tấn do giá điện điều chỉnh tăng 4,8%; giá cát và đá cũng leo thang do nguồn cung hạn chế. Trong khi đó, chi phí vật liệu chiếm tới 60% tổng chi phí xây dựng, gây áp lực lên các nhà thầu và buộc doanh nghiệp phải thắt chặt kiểm soát chi phí, điều chỉnh chiến lược mua sắm và vận hành.
3 tháng đầu năm 2025 cho thấy giá vật liệu phần nào đã ổn định hơn, với thép ở mức khoảng 13.800 đồng/kg và xi măng từ 69.000 đến 220.000 đồng/tấn, dù giá cát vẫn còn tăng từ 5 - 15%. Sự ổn định này đang giúp thị trường phục hồi mạnh mẽ hơn, nhưng để duy trì tăng trưởng lâu dài, ngành cần có chiến lược thích ứng và kiểm soát rủi ro giá hiệu quả.
Trước những yêu cầu mới của thị trường, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng đang triển khai các hướng đi chiến lược: đẩy mạnh đầu tư và ứng dụng công nghệ; xây dựng thương hiệu và hoạt động marketing bài bản hơn; phát triển sản phẩm thân thiện môi trường, giảm phát thải; tái cấu trúc và tinh gọn bộ máy nhân sự; đồng thời tăng cường quản trị rủi ro, đặc biệt là rủi ro tài chính và chi phí nguyên vật liệu. Đây là các biện pháp chủ động nhằm thích nghi với một thị trường đang thay đổi nhanh chóng, đồng thời chuẩn bị nền tảng cho sự phát triển bền vững trong chu kỳ tăng trưởng mới.
ximang.vn (TH)