Bộ Xây dựng cho biết, nhu cầu
tiêu thụ xi măng nội địa năm 2025 có thể dao động từ 60 - 65 triệu tấn, trong khi xuất khẩu dự kiến đạt khoảng 30 - 35 triệu tấn. Sự phục hồi của thị trường trong nước và nhu cầu ổn định từ các thị trường quốc tế là những yếu tố thúc đẩy sự tăng trưởng này.
Theo TS. Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam, việc Chính phủ tập trung đầu tư vào hạ tầng giao thông và xây dựng đang giúp ngành Xi măng duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn được kỳ vọng sẽ diễn ra vào nửa cuối năm 2025. Cũng theo ông Long, nhu cầu xi măng trong nước chưa đạt đỉnh, dự báo từ giờ đến năm 2031 sẽ đạt đỉnh. Điều này đồng nghĩa với việc ngành Xi măng vẫn còn nhiều dư địa tăng trưởng trong thời gian tới.
Ngành Xi măng Việt Nam hiện đang vận hành theo quy luật của kinh tế thị trường, trong đó các doanh nghiệp mới đầu tư có lợi thế hơn nhờ công nghệ hiện đại, quy mô lớn và áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng... giúp tối ưu chi phí sản xuất, nâng cao lợi thế cạnh tranh so với các nhà máy có dây chuyền công nghệ cũ.
Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, thời điểm này cũng là cơ hội để thị trường loại bỏ các dây chuyền sản xuất lạc hậu, tạo điều kiện cho ngành Xi măng phát triển theo hướng hiện đại và bền vững hơn.
Hiệp hội Xi măng Việt Nam cũng đã kiến nghị Chính phủ xem xét việc bỏ thuế xuất khẩu đối với sản phẩm clinker để hỗ trợ doanh nghiệp trước áp lực cạnh tranh quốc tế. Bộ Xây dựng cũng đề xuất giảm thuế xuất khẩu cho các
doanh nghiệp xi măng, Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Tài chính xem xét.
Dự báo, nhu cầu tiêu thụ xi măng sẽ tăng mạnh nhờ tiến độ đẩy nhanh của các dự án giao thông. Ngoài ra, đã có đề xuất thay thế nền đường bằng cầu cạn trong bối cảnh nguồn cung cát xây dựng tại khu vực phía Nam vẫn còn hạn chế. Nếu những chính sách này được thực hiện, chúng có thể tạo động lực tích cực cho
ngành Xi măng, góp phần thúc đẩy sản lượng tiêu thụ và tăng trưởng bền vững trong năm 2025.