Trên địa bàn thị xã Sa Pa, hàng trăm công trình đang thi công nhưng không có mỏ vật liệu nào còn hoạt động. Theo Quy hoạch 316 của Thủ tướng Chính phủ, thị xã đã được phê duyệt 10 điểm mỏ (3 mỏ cát, 7 mỏ đá), nhưng không mỏ nào được khai thác do thuộc khu vực bảo tồn, di tích văn hóa hoặc rừng tự nhiên. Việc nhập vật liệu từ nơi khác gây khan hiếm và đẩy giá thành lên cao.
Tương tự, huyện Bát Xát chỉ có 1 mỏ cát đang hoạt động, không đủ đáp ứng nhu cầu xây dựng. Dù Quy hoạch 316 đã phê duyệt 22 điểm mỏ, nhưng chỉ 9 mỏ có tiềm năng đưa vào đấu giá, trong đó nhiều mỏ chưa đủ điều kiện khai thác do vướng mắc về quy hoạch đất, biên giới hoặc thiếu dữ liệu đánh giá.

Khai thác đá vật liệu xây dựng thông thường tại mỏ đá xã Xuân Quang, huyện Bảo Thắng.
Theo Quy hoạch 316, tỉnh Lào Cai đã quy hoạch 238 mỏ vật liệu thông thường, nhưng chỉ 35 mỏ được cấp phép khai thác. Lượng đá xây dựng hiện khai thác đạt 1,476 triệu m³, trong khi nhu cầu là hơn 1,598 triệu m³, chỉ đáp ứng 92,36%. Cát xây dựng khai thác được 419.583 m³, trong khi nhu cầu thực tế là 769.030 m³, chỉ đạt 54,56%. Các huyện như Bát Xát, Mường Khương, Si Ma Cai, Bắc Hà và thị xã Sa Pa là những nơi thiếu vật liệu nghiêm trọng.
Tại huyện Bảo Thắng, dù có 33 điểm mỏ được cấp phép, chỉ 10 mỏ đang hoạt động, trong khi 12 điểm đã dừng khai thác do hết thời hạn, 9 mỏ chưa hoạt động vì chưa giải phóng mặt bằng hoặc chưa hoàn thiện thủ tục đất đai. Một số mỏ bị điều chỉnh quy mô nhưng chưa được cập nhật vào quy hoạch sử dụng đất.
Đại diện các doanh nghiệp khai thác cho biết, sau khi đấu giá, họ phải xin ý kiến của nhiều sở, ngành, mất nhiều thời gian và gặp vướng mắc về quy hoạch, đất đai, nhất là khu vực phụ trợ của bãi tập kết vật liệu. Các cơ quan chức năng địa phương cũng đang tìm giải pháp tháo gỡ nhưng vẫn cần sự chỉ đạo từ cấp trên.
Hiện nay, trong số 238 mỏ vật liệu theo Quy hoạch 316, chỉ có 35 mỏ được cấp phép hoạt động. 68 mỏ thuộc khu vực cấm khai thác, 32 mỏ cát chồng lấn quy hoạch năng lượng, 103 mỏ có tiềm năng nhưng chỉ 31 mỏ đủ điều kiện đấu giá. Nhiều mỏ chưa đủ điều kiện khai thác do nằm trong khu vực quốc phòng, bảo tồn hoặc ảnh hưởng đến di tích văn hóa.
Tình trạng thiếu hụt vật liệu xây dựng không chỉ làm tăng chi phí đầu tư mà còn ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, gây chậm trễ trong xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế. Giải pháp trước mắt là rà soát, điều chỉnh nâng công suất khai thác đối với các mỏ đã cấp phép nếu đủ điều kiện, đưa vào kế hoạch đấu giá các mỏ đủ điều kiện và giải quyết vướng mắc để sớm đưa các mỏ đã cấp phép vào hoạt động.
ximang.vn (TH/ Báo Lào Cai)