Các cổ đông chính của Công ty Cổ phần
Xi măng Hạ Long đua nhau tìm cách thoái vốn tại đây, trong đó có việc thỏa thuận bán cho nhà đầu tư nước ngoài, do Công ty này vay nợ quá nhiều so với vốn chủ sở hữu dẫn đến làm ăn thua lỗ.
Ngoài Tổng Công ty Sông Đà, các cổ đông khác như
Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí (PVC) cũng đã ra nghị quyết của Hội đồng quản trị hồi tháng trước, thoái gần 15% vốn góp tại Xi măng Hạ Long nhưng đến nay chưa thấy công bố thông tin về việc đã chuyển nhượng được phần vốn này hay chưa.
Xi măng Hạ Long còn có các cổ đông khác là Tổng Công ty Cổ phần Tài chính Dầu khí (nay là Ngân hàng PVCombank), Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Đô thị và KCN Sông Đà.
Nguyên nhân Tổng Công ty Sông Đà phải bán cổ phần ở đây vì đã oằn lưng trả nợ thay hàng ngàn tỉ đồng cho Xi măng Hạ Long kể từ ngày đi vào hoạt động cách đây bốn năm. Mặt khác, do yêu cầu thoái vốn đầu tư ngoài ngành của Chính phủ, Sông Đà cũng buộc phải bán cổ phần.
Việc Tổng Công ty Sông Đà và các cổ đông lớn khác đang đàm phán với nhóm Công ty Xi măng Anhui Conch để bán lại phần vốn góp rất đáng quan tâm vì Sông Đà có liên quan đến việc Công ty Cổ phần Xi măng Hạ Long đang là con nợ lớn của Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài (Bộ Tài chính). Đây là một trong năm dự án “đình đám” nhất ngành xi măng vì vay nợ và làm ăn thua lỗ.
Cuối tháng 12-2013, Bộ Xây dựng đã phải làm văn bản gửi Bộ Tài chính đề nghị Bộ Tài chính có ý kiến trình Thủ tướng chấp thuận cho Tổng Công ty Sông Đà vay từ Quỹ tích lũy trả nợ nước ngoài để trả khoản nợ ngân hàng Natixis kỳ trả nợ lần 2 (7,4 triệu euro nợ gốc và lãi) vì Xi măng Hạ Long và Tổng Công ty Sông Đà đều không trả được.
Dự án Xi măng Hạ Long đi vào hoạt động từ đầu năm 2010 trong phong trào các tập đoàn, Tổng Công ty nhà nước đua nhau đầu tư vào các dự án
thép và xi măng. Dự án ban đầu có tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỉ đồng nhưng do thời gian thi công chậm 45 tháng nên đội vốn thêm 2.776 tỉ đồng. Vốn điều lệ của công ty chỉ là 982 tỉ đồng nhưng công ty đã đi vay nợ thông qua chủ đầu tư là Tổng Công ty Sông Đà 5.196 tỉ đồng.
Với việc vay nợ quá lớn mà hàng bán ra không đủ trả nợ, nên năm 2010 Công ty lỗ 429,9 tỉ đồng, năm 2011 lỗ 581 tỉ đồng, và năm 2012 lỗ 514 tỉ đồng. Tổng số lỗ lũy kế từ thời điểm Xi măng Hạ Long đi vào hoạt động đến tháng 9-2013 , trước khi cầu cứu lên Bộ Xây dựng trợ giúp là 2.089 tỉ đồng. Trong đó, Tổng Công ty Sông Đà đã trả nợ thay Xi măng Hạ Long đến hết tháng 3-2012 là 1.211 tỉ đồng.
Sở dĩ Sông Đà phải trả thay vì họ được Bộ Tài chính bảo lãnh cho vay vốn nước ngoài. Sau đó Sông Đà dùng nguồn vốn này cho Xi măng Hạ Long vay lại 3.335 tỉ đồng nhưng Xi măng Hạ Long không có khả năng chi trả dẫn đến Sông Đà nợ dây chuyền.
Hiện chưa biết giá đàm phán giữa Tổng Công ty Sông Đà và Anhui Conch là bao nhiêu trong thương vụ này, nhưng sự có mặt của Anhui Conch sẽ giúp Sông Đà thoát nợ và Xi măng Hạ Long tái cấu trúc được tài chính.
Năm 2013, Viettel đã mua lại 70% cổ phần tại Công ty Cổ phần
Xi măng Cẩm Phả cũng trong tình trạng thua lỗ với giá mua 127 triệu đô la Mỹ và Công ty này đang đặt mục tiêu có lãi từ năm 2014 sau khi tái cơ cấu tài chính.
Trước đó, Công ty Cổ phần Xi măng Đồng Bành do Tổng Công ty Cơ khí Xây dựng (COMA) đầu tư cũng lỗ nặng. Bộ Tài chính đứng ra trả nợ thay và nay đã được bán lại cho Tập đoàn Hoàng Phát (VISSAI).
SJ (TH/ TBKTSG)