Lễ ký hợp đồng gói thầu quốc tế EP “Thiết kế, cung cấp thiết bị, vật tư và dịch vụ kỹ thuật” dự án Nhà máy Xi măng Tân Thắng công suất 2 triệu tấn/năm diễn ra ngày 06/8/2013 tại Hà Nội. Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam VCCI Vũ Tiến Lộc đã tới dự.

Xi măng Tân Thắng và các nhà thầu nước ngoài ký kết hợp đồng.
Theo ông Nguyễn Cao Điến, Tổng giám đốc Nhà máy Xi măng Tân Thắng, đây là gói thầu chính, lớn nhất và quan trọng nhất của dự án, quyết định công suất, chất lượng của dây chuyền nhà máy, quyết định chất lượng sản phẩm clinker, hiệu quả kinh tế và khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Vì vậy, Cty CP Xi măng Tân Thắng đã tổ chức đấu thầu quốc tế và lựa chọn được 5 nhà thầu cung cấp dây chuyền công nghệ, thiết bị đồng bộ, tiên tiến, hiện đại bậc nhất trên thế giới, tốt nhất trong nhóm các dự án xi măng có dây chuyền thiết bị xuất xứ EU, G7 đồng bộ, chất lượng cao đang sản xuất kinh doanh có hiệu quả của ngành công nghiệp xi măng Việt Nam với tổng giá trị hợp đồng 93,3 triệu USD.
Các nhà thầu Bedeschi (Italia) lô thầu số 1 cung cấp các thiết bị đập, vận chuyển và tồn trữ nguyên liệu; nhà thầu Thyssenkrupp Resource Tachnologies (Đức) lô thầu số 2 cung cấp thiết bị nghiền nguyên liệu, nghiền than, hệ thống tháp trao nhiệt, lò nung và làm nguội clinker; nhà thầu Loesche (Đức) lô thầu số 3 cung cấp các thiết bị định lượng và nghiền xi măng; nhà thầu Haver & Boecker (Đức) lô thầu số 4 cung cấp các thiết bị đóng bao và sản xuất xi măng; nhà thầu ABB (Thụy Sỹ) lô thầu số 5 cung cấp các thiết bị điện, đo lường điều khiển và tự động hóa cho dây chuyền sản xuất đã cùng chủ đầu tư dự án nhà máy xi măng Tân Thắng ký kết hợp đồng, cam kết thực hiện triển khai đúng tiến độ.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam đánh giá cao nỗ lực của chủ đầu tư, lựa chọn được các nhà thầu nổi tiếng, uy tín trên thế giới với giá cạnh tranh, công nghệ thiết bị hiện đại. Thứ trưởng đề nghị các nhà thầu thực hiện nghiêm chỉnh cam kết cung cấp, hướng dẫn lắp đặt và chạy thử đảm bảo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật. Chủ đầu tư triển khai dự án đúng kế hoạch, không được sản xuất sớm hơn năm 2015, tập trung đào tạo cán bộ, phát triển thị trường và thương hiệu sản phẩm.
Thứ trưởng lưu ý: Từ sau năm 2014 trở đi, các dự án nhà máy xi măng chỉ được cung cấp 80% sản lượng điện, 20% sản lượng điện còn lại, các nhà máy tự cung cấp từ sử dụng khí thải để phát điện. Đây là quy định bắt buộc nhưng trong bối cảnh than, điện không ngừng tăng thì tiết kiệm năng lượng bằng cách sử dụng nhiệt thừa để phát điện sẽ rất có lợi cho chủ đầu tư. Bộ Xây dựng sẽ kiểm tra và đề nghị ngành Điện cắt theo đúng yêu cầu. Vì vậy, Nhà máy Xi măng Tân Thắng cần lưu ý triển khai dự án tận dụng nhiệt thừa để phát điện cho nhà máy.
Dự án Nhà máy xi măng Tân Thắng nằm trong Quy hoạch phát triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 – 2010 định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1488/QĐ-TTg, được xây dựng tại xã Tân Thắng, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An, dự kiến nhà máy sẽ đi vào vận hành vào năm 2016, cung cấp cho thị trường xi măng 2 triệu tấn/năm.
Theo baoxaydung