Trước đó, Bộ Xây dựng trình Thủ tướng xem xét, phê duyệt điều chỉnh, bổ sung Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng (nếu cần) phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế.
Mục tiêu của Kế hoạch nhằm triển khai thực hiện Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng các loại khoáng sản làm vật liệu xây dựng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1626/QĐ-TTg ngày 15/12/2023 (Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng) đảm bảo hiệu lực, hiệu quả. Cụ thể hoá các giải pháp nhằm thu hút các nguồn lực xã hội để thực hiện Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Phấn đấu thực hiện thăm dò và khai thác tối đa các khu vực khoáng sản đã được quy hoạch nhằm đảm bảo đủ nguyên liệu sản xuất vật liệu xây dựng và dự trữ, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phát triển bền vững.
Bên cạnh đó, phân công trách nhiệm cụ thể đối với các Bộ, ngành và địa phương theo chức năng, nhiệm vụ được giao để triển khai thực hiện các nội dung của Quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng và tập trung giải quyết các vướng mắc về cơ chế, chính sách nhằm thực hiện các đề án/dự án thăm dò, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng.
Theo Kế hoạch, dự kiến tổng nhu cầu sử dụng đất cần thiết phục vụ công tác thăm dò và khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng trên cả nước đến năm 2050 khoảng 73.629 ha, trong đó giai đoạn 2021 - 2030 nhu cầu sử dụng đất là 52.505 ha; giai đoạn 2031 - 2050 nhu cầu sử dụng đất là 21.124 ha.
Kế hoạch cũng đề ra các nguồn lực và giải pháp cần thực hiện đồng bộ để đảm bảo thành công của quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Về tài chính, cần rà soát và điều chỉnh các loại thuế, phí và lệ phí một cách hợp lý, khuyến khích phát triển ngành và đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế, hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và người dân địa phương nơi có khoáng sản được khai thác. Về đầu tư, cần phát huy nội lực và khuyến khích các doanh nghiệp trong nước có đủ năng lực đóng vai trò chủ lực trong thăm dò, khai thác và chế biến các loại khoáng sản chiến lược và có trữ lượng lớn. Về nguồn vốn, ngoài một phần từ ngân sách nhà nước, vốn đầu tư cho các dự án thăm dò và khai thác khoáng sản chủ yếu do doanh nghiệp tự đảm bảo, bao gồm vốn tự có, vốn vay thương mại trên thị trường tài chính và vốn huy động từ các nguồn khác.
>> Chi tiết Quyết định 711/QĐ-TTg, xem
TẠI ĐÂY.