Tại buổi làm việc, tỉnh Quảng Ninh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường chọn Quảng Ninh là địa bàn điểm để chỉ đạo về tăng trưởng xanh, hỗ trợ tăng cường hợp tác quốc tế về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, sớm ban hành các quy định, hướng dẫn về bảo vệ môi trường đối với hoạt động đốt khởi động lò của các nhà máy xi măng để hạn chế những tác động xấu đến môi trường và cảnh quan đô thị; sớm chấm dứt khai thác than lộ thiên tại khu vực thành phố Hạ Long và Cẩm Phả theo đúng Quyết định số 60/QĐ-TTg ngày 9/1/2012 của Thủ tướng Chính phủ.
Đồng thời dừng việc thực hiện dự án đầu tư xây dựng nâng công suất các nhà máy xi măng ven bờ Vịnh Cửa Lục, Hạ Long, Bái Tử Long; không quy hoạch, đầu tư xây dựng mới các nhà máy sản xuất xi măng ở khu vực lân cận Vịnh Hạ Long trong khoảng cách tối thiểu 15km tính từ ranh giới vùng đệm của Vịnh Hạ Long và trung tâm các đô thị vùng phụ cận Vịnh Hạ Long…
Nhấn mạnh thêm đề xuất của tỉnh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Đặng Huy Hậu đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường giới thiệu công nghệ và nhà đầu tư xử lý chất thải rắn vào Quảng Ninh; quan tâm tập trung nguồn lực đầu tư, quản lý xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh, bên cạnh thành phố Hạ Long thì cần thiết phải đầu tư các trạm xử lý nước thải tại Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí, Vân Đồn.
Đặc biệt hạn chế xây dựng các nhà máy xi măng gần khu vực đô thị, đông dân cư trên địa bàn tỉnh cũng như có ý kiến với một số tỉnh giáp ranh về công nghệ sản xuất gạch, xi măng không đảm bảo ảnh hưởng đến môi trường tỉnh Quảng Ninh; dừng việc khai thác than tại khu vực lân cận khu di tích danh thắng Yên Tử...
Quảng Ninh cũng khuyến cáo, đến năm 2030 sẽ di dời các nhà máy xi măng ra xa khu vực Vịnh Hạ Long, Bái Tử Long.
Quỳnh Trang (TH/ TTXVN)