Phiên giao dịch ngày 6/6, cổ phiếu HT1 - Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên tiếp tục giảm về vùng giá 16.750 đồng/cp; BCC - Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn tiếp tục giảm về 16.700 đồng/cp; Cổ phiếu HOM - Công ty CP Xi măng Vicem Hoàng Mai giảm về còn 7.700 đồng/cp. Đây là vùng giá thấp nhất trong vòng 1 năm qua của
cổ phiếu xi măng.
Báo cáo mới đây của các chuyên gia Công ty Chứng khoán VNDirect nhận định, tình trạng dư cung và cạnh tranh gay gắt trong ngành vẫn sẽ tiếp diễn trong giai đoạn 2022 - 2023. Ngành xi măng Việt Nam đang ở trong tình trạng “vừa thừa, vừa thiếu”, dư thừa nguồn cung xi măng khi công suất sản xuất vượt quá nhu cầu thị trường nội địa và thiếu các nhà máy xi măng quy mô lớn. Trong khi nhu cầu xi măng nội địa hiện nay chỉ đạt dưới 65 triệu tấn thì quy mô công suất toàn ngành đã lên tới gần 107 triệu tấn (thực tế có thể sản xuất khoảng 120 - 130 triệu tấn thành phẩm nếu điều chỉnh tỷ lệ trộn phụ gia). Điều này dẫn đến tình trạng dư cung trầm trọng (đặc biệt tại khu vực miền Bắc) và ngày càng phụ thuộc vào xuất khẩu của xi măng Việt Nam.
Mặc dù vậy, có tới 41/87 dây chuyển sản xuất tại Việt Nam có công suất dưới 1 triệu tấn/năm, chiếm 21% tổng sản lượng toàn ngành. Theo ước tính, hiện quy mô tối thiểu để một nhà máy xi măng đạt được hiệu quả kinh tế là 2 triệu tấn/năm và mỗi doanh nghiệp trong ngành phải có công suất tối thiểu 5 - 10 triệu tấn/năm để đảm bảo hiệu quả trong dài hạn thông qua việc tiết kiệm chi phí.
Có thể nói, việc thiếu hiệu quả sản xuất theo quy mô và tình trạng dư cung kéo dài là những lý do chính hạn chế khả năng sinh lời của các doanh nghiệp trong ngành. Nhận thức được vấn đề này, Chính phủ và các bộ ngành đã tích cực nâng các rào cản gia nhập
ngành xi măng, đặc biệt chỉ cấp phép cho những dự án lớn (trên 2 triệu tấn/năm) nhằm giảm bớt tình trạng phân mảnh của thị trường. Tuy nhiên trong ngắn hạn việc cấp phép xây dựng nhà máy mới sẽ khiến tình trạng dư cung thêm nghiêm trọng.
Dự kiến trong năm 2022, sẽ có thêm 3 dây chuyền xi măng (tổng công suất 8,8 triệu tấn/năm) đi vào hoạt động, bao gồm Xi măng Xuân Thành 3, Xi măng Long Thành và
Xi măng Đại Dương 1. Tổng công suất toàn ngành năm 2022 sẽ tăng lên 115,4 triệu tấn/năm, tăng 8% so với cuối năm 2021. Đáng chú ý, 3 dây chuyền mới được đặt tại Hà Nam và Thanh Hóa - hai tỉnh có công suất thiết kế lớn nhất Việt Nam, qua đó càng làm tăng cạnh tranh tại khu vực miền Bắc.