» Tình trạng khan hiếm cát xây dựng đang lan rộng tại nhiều địa phương trên cả nước, đặc biệt tại khu vực Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và Nam Trung Bộ. Điều này không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến tiến độ các dự án hạ tầng mà còn đặt ra thách thức nghiêm trọng cho toàn ngành Xây dựng. Việc thiếu hụt nguồn cung cát tự nhiên đang kéo theo hàng loạt hệ lụy kinh tế - kỹ thuật, đòi hỏi những giải pháp thay thế căn cơ và bền vững.
Cát xây dựng là vật liệu thiết yếu trong mọi công trình dân dụng và hạ tầng, nhưng nguồn cung cát tự nhiên tại Việt Nam đang đứng trước nguy cơ cạn kiệt nghiêm trọng. Giá cát tăng phi mã, chất lượng công trình bị đe dọa, tiến độ dự án đình trệ tất cả là hệ quả của một thị trường vật liệu xây dựng thiếu ổn định. Để giải quyết bài toán này, ngành Xây dựng đang đứng trước một lựa chọn mang tính bước ngoặt: đẩy mạnh sử dụng vật liệu thay thế cát tự nhiên, với trọng tâm là cát nghiền.
Hệ lụy lan rộng, giải pháp tạm thời
Nguyên nhân khiến nguồn cung cát xây dựng ngày càng khan hiếm đến từ sự khai thác cát tự nhiên quá mức trong thời gian dài, khiến nhiều dòng sông suy giảm trữ lượng, kèm theo đó là các hệ lụy môi trường như sạt lở, thay đổi dòng chảy và mất cân bằng sinh thái. Trong khi đó, công tác quy hoạch và cấp phép khai thác còn nhiều bất cập, thiếu sự phối hợp giữa các địa phương, dẫn đến tình trạng mất cân đối cung - cầu.
Giá cát xây dựng tăng cao là hệ quả tất yếu. Ghi nhận tại một số địa phương cho thấy giá cát đã lên tới 700.000 đồng/m³ là mức cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây. Việc này không chỉ đẩy chi phí xây dựng lên cao mà còn ảnh hưởng đến các dự án an sinh như nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp, khiến quyền tiếp cận nhà ở của người dân bị thu hẹp.
Một vấn đề nghiêm trọng khác là nguy cơ sử dụng các loại cát không đạt chuẩn do thiếu nguồn cung. Điều này có thể làm giảm chất lượng và độ bền công trình trong dài hạn.
Theo số liệu của Cục Thống kê quý 2/2025, có tới 57,2% doanh nghiệp xây dựng nhận định giá vật liệu xây dựng tăng là rào cản lớn nhất cho sản xuất và kinh doanh. Trên 50% doanh nghiệp dự báo xu hướng tăng giá sẽ tiếp diễn trong quý 3. Riêng nhóm vật liệu xây dựng như cát, đá, sỏi, đất sét đã ghi nhận mức tăng trên 10% chỉ trong quý 2 do việc khai thác bị gián đoạn hoặc tạm ngừng.
Trước tình hình trên, Chính phủ đã có nhiều động thái tháo gỡ. Công điện số 85/CĐ-TTg (ban hành ngày 10/6/2025) yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tăng cường bình ổn giá vật liệu xây dựng, trong đó có cát xây dựng. Bộ Xây dựng tiếp tục cụ thể hóa chỉ đạo này qua Văn bản số 5050/BXD-KHCNMT&VLXD gửi các tỉnh, thành phố. Nhiều địa phương đã áp dụng cơ chế đặc thù, cho phép khai thác tạm thời tại một số mỏ cát, đá phục vụ các dự án cấp bách như sân bay Long Thành, dù thủ tục thuê đất chưa hoàn tất.
Tuy vậy, các biện pháp trên chỉ là tạm thời. Việc đầu tư ồ ạt vào hạ tầng mà thiếu chiến lược vật liệu xây dựng dài hạn đang tạo áp lực lớn lên thị trường, làm trầm trọng thêm tình trạng mất cân đối cung - cầu cát xây dựng.
Cát nghiền - Lựa chọn thay thế tiềm năng
Trong bối cảnh nguồn cát tự nhiên ngày càng khan hiếm, cát nghiền (cát nhân tạo) đang được giới chuyên gia và doanh nghiệp đánh giá là giải pháp khả thi nhất để thay thế.
Cát nghiền được sản xuất từ các loại đá cứng như đá vôi, đá bazan, đá granite, sỏi cuội… thông qua công nghệ nghiền sàng hiện đại. Ưu điểm của loại vật liệu này là thành phần hạt đồng đều, độ mịn cao, ít tạp chất, giúp tăng khả năng kết dính, nâng cao chất lượng bê tông. Cát nghiền có thể sản xuất tại chỗ, giảm chi phí vận chuyển và đảm bảo nguồn cung ổn định, nhất là với các công trình quy mô lớn.
Tại Hội nghị lấy ý kiến về Đề án tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý và phát triển vật liệu xây dựng, ông Lương Đức Long, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Namkhẳng định: nếu có chính sách ưu tiên, cát nghiền có thể thay thế hiệu quả cát tự nhiên trong xây dựng.
Thực tế đã chứng minh tính khả thi của vật liệu này, các công trình lớn như thủy điện Sơn La, Lai Châu vốn không có cát tự nhiên đã sử dụng thành công cát nghiền từ đá tự nhiên. Ngoài ra, cát nghiền còn có thể được sản xuất từ vật liệu tái chế như đá mạt, phế thải xây dựng, tro xỉ và thạch cao từ nhà máy nhiệt điện, hóa chất… góp phần thúc đẩy kinh tế tuần hoàn, giảm áp lực môi trường.
Một ví dụ tích cực là tỉnh Quảng Ninh vừa ban hành Văn bản số 1642/UBND-XDMT cho phép Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh phối hợp nghiên cứu sản xuất cát nghiền từ đất đá mỏ, tro xỉ và chất thải xây dựng. Tuy nhiên, để giải pháp này phát huy hiệu quả lâu dài, cần một chiến lược bài bản với quy chuẩn kỹ thuật rõ ràng, sản lượng mục tiêu cụ thể và cơ chế khuyến khích đủ mạnh.
Song song với đó, ngành Xây dựng cũng cần đẩy mạnh quản lý khai thác cát tự nhiên theo hướng bền vững, hoàn thiện quy hoạch mỏ vật liệu gắn với tiến độ dự án và tăng cường tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về sử dụng vật liệu thay thế thân thiện với môi trường.
Tình trạng thiếu hụt cát xây dựng đang là thách thức lớn của ngành Xây dựng, để giải quyết hiệu quả, cần sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý, doanh nghiệp và địa phương trong việc đẩy mạnh sản xuất, sử dụng vật liệu thay thế, đặc biệt là cát nghiền. Đây không chỉ là giải pháp ứng phó với hiện tại, mà còn là bước đi chiến lược để phát triển ngành Xây dựng theo hướng tiết kiệm tài nguyên, thân thiện môi trường và bền vững lâu dài.
Cem.Info