Theo nhận định của Bộ Xây dựng, nhóm ngành Vật liệu xây dựng hằng năm đóng góp gần 7% GDP của cả nước. Ngành cũng có vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước tình hình suy thoái kinh tế, dự án đầu tư công triển khai chậm, kinh tế toàn cầu bất ổn đã tác động mạnh mẽ đến đầu ra của toàn ngành. Theo lý giải của nhiều doanh nghiệp trong ngành Xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam cho biết, chưa năm nào sản xuất lại gặp khó khăn như thời gian này. Nhiều doanh nghiệp trong 3 quý đầu năm đã phải sản xuất cầm chừng để duy trì việc làm cho người lao động.
Thông thường chu kỳ vào thời điểm cuối năm, những dự án đầu tư công đẩy nhanh tiến độ xây dựng để nghiệm thu, hoàn thiện năm tài khóa và doanh nghiệp bất động sản cũng phải bàn giao sản phẩm cho người dân đón Tết Nguyên đán nên đây là thời điểm thị trường vật liệu xây dựng có mức tiêu thụ mạnh. Song thực tế, ngành công nghiệp vật liệu xây dựng năm nay đang phải đương đầu với những khó khăn, nguồn cung trong nước dư thừa, trong khi nguồn xuất khẩu bị giảm sút do các thị trường truyền thống cũng chịu ảnh hưởng.
Ông Trần Văn Dưỡng, Giám đốc Công ty Cổ phần Vật liệu xây dựng huyện Lý Nhân cho biết, sản phẩm gạch nung của doanh nghiệp chủ yếu phục vụ cho các công trình xây dựng như nhà ở của người dân và một phần công trình sử dụng vốn ngân sách. Nếu so với cùng kỳ những năm trước, trong quý 4 năm nay sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ chậm, giá cả không tăng, thậm chí có một số loại sản phẩm có phần giảm do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, đời sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, số lượng hộ xây dựng nhà ở giảm mạnh. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, doanh nghiệp đã chủ động cơ cấu lại sản xuất, tiết giảm chi phí hoạt động, linh hoạt kế hoạch bán hàng; tăng cường khâu tiếp thị, giảm giá thành sản phẩm để tiêu thụ gạch, hạn chế thấp nhất hàng tồn tại bãi. Bởi nếu sản lượng tồn kho nhiều, khi mùa mưa đến sẽ mọc rêu, rất khó tiêu thụ. Năm 2024, mặc dù sản lượng tiêu thụ đặt ra giảm 2 triệu viên gạch các loại so với năm trước nhưng khả năng thực hiện cũng rất khó khăn.
Sản phẩm vữa khô của Công ty Cổ phần Khoáng sản Tân Thủy (Thanh Liêm).
Ông Trần Khắc Văn, chủ đại lý Khuyên Văn ở xã Hòa Hậu (Lý Nhân) chuyên kinh doanh vật liệu xây dựng, thiết bị nhà ở cho hay: Thời điểm này dù đang là mùa xây dựng nhưng các công trình khởi công ít nên các mặt hàng đang tiêu thụ chậm, giảm 10 - 20% so với các năm trước. Khi thị trường bất động sản vẫn chưa sôi động trở lại, đã kéo thị trường vật liệu xây dựng với hàng trăm loại sản phẩm liên quan, từ sắt thép, xi măng, thiết bị vệ sinh... có mức tiêu thụ giảm mạnh.
Theo một số chủ đại lý kinh doanh vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố Phủ Lý, thông thường những năm trước, thời điểm từ tháng 8 đến tháng 12, nhu cầu người dân mua gạch ốp lát, thiết bị vệ sinh, bình nóng lạnh tăng cao so với đầu năm, song năm nay trong dịp này thị trường khá trầm lắng và hầu hết các mặt hàng vẫn giữ nguyên giá. Hy vọng thời gian còn lại của năm 2024, thị trường sẽ khởi sắc, sức tiêu thụ tăng, các doanh nghiệp và đại lý cung ứng vật liệu xây dựng sẽ bớt khó.
Đánh giá của các ngành chức năng cho thấy, trong thời gian cuối năm 2024, một số loại vật liệu xây dựng tương đối bình ổn, giá bán tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái. Đơn cử như thép Hòa Phát tại thị trường miền Bắc, với thép cuộn CB240 tăng 310.000 đồng/tấn, hiện dao động ở mức 13,8 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 tăng 410.000 đồng/tấn có giá gần 14 triệu đồng/tấn. Với thép Việt Đức, thép cuộn CB240 ở mức 13,6 triệu đồng/tấn; thép thanh vằn D10 CB300 có giá hơn 14 triệu đồng/tấn. Thương hiệu thép VAS, thép cuộn CB240 và thanh vằn D10 CB300 lần lượt ở các mức 13,85 triệu đồng/tấn và 14 triệu đồng/tấn...
ximang.vn (TH/ Báo Hà Nam)