Theo khảo sát thị trường, trong 10 tháng năm 2022, một số mặt hàng
vật liệu xây dựng tăng đột biến so với cuối năm 2021. Cụ thể, giá thép xây dựng có thời điểm tăng từ 600.000 - 1.400.000 đồng/tấn; cát, đá, xi măng cũng tăng cao, có nhiều loại tăng 30 - 35%. Cát vàng cung ứng đến chân công trình có giá từ 550.000 - 650.000 đồng/m³, tăng 250.000 - 300.000 đồng/m³ so với cuối năm 2021;
giá xi măng cũng tăng từ 100.000 - 150.000 đồng/tấn so với đầu năm; giá gạch nung tăng 10 - 15%.
Giá vật liệu xây dựng tăng làm cho các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn tỉnh Hà Nam gặp không ít khó khăn. Nhiều doanh nghiệp chia sẻ, giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi đó chủ đầu tư lại nợ vốn kéo dài, có những doanh nghiệp xây dựng đang bị chủ đầu tư nợ đọng hàng chục tỷ đồng, khiến cho nhiều nhà thầu gặp khó.
Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường thi công đường nối 2 cao tốc.
Ông Trần Văn Lực, Giám đốc Công ty TNHH Xây dựng Phúc Thành (Lý Nhân) chia sẻ, giá vật liệu xây dựng tăng cao ảnh hưởng đến nhiều doanh nghiệp nhận thầu xây dựng các công trình. Bởi thực tế, nhiều doanh nghiệp vào cuối năm 2021, đầu năm 2022 nhận thầu công trình lúc đó giá vật liệu xây dựng còn thấp, sau đó đồng loạt giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, có những loại tăng 30 - 40% khiến cho các doanh nghiệp gặp không ít khó khăn. Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp mới thi công được 20 - 30% khối lượng công trình thì gặp phải giá vật liệu xây dựng tăng cao, song vẫn phải thi công tiếp, bảo đảm hoàn thành theo hợp đồng. Chúng tôi kiến nghị, Nhà nước sớm có chính sách bình ổn
giá vật liệu xây dựng và điều chỉnh giá vật liệu xây dựng sao cho phù hợp với giá thị trường để giúp doanh nghiệp giảm bớt khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình.
Cũng như Công ty TNHH Xây dựng Phúc Thành, hiện nay hầu hết các doanh nghiệp xây dựng công trình trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn khi giá cả các loại vật liệu xây dựng tăng cao. Nhiều doanh nghiệp cho biết, khi giá vật liệu xây dựng tăng cao, chủ đầu tư lại nợ vốn lâu dài, khiến cho nhiều doanh nghiệp “lao đao”. Nhiều doanh nghiệp kiến nghị, trong thời điểm khó khăn, dịch bệnh tác động, các cơ quan chuyên môn áp giá vật liệu xây dựng sao cho phù hợp với từng thời điểm để giảm bớt khó khăn cho nhà thầu. Nhiều doanh nghiệp xây dựng còn đề nghị chủ đầu tư các dự án nhanh chóng bố trí vốn cho nhà thầu thi công theo từng giai đoạn, tránh tình trạng công trình làm xong nhiều năm, chủ đầu tư vẫn nợ vốn.
Ông Nguyễn Quang Huy, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nam cho biết, thời gian vừa qua, Sở Xây dựng đã nhận được nhiều ý kiến của Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, các doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn kiến nghị về việc
giá vật liệu xây dựng tăng cao và đề nghị các cơ quan chuyên môn áp giá cho phù hợp. Tuy nhiên, về phía Sở Xây dựng khi tính toán phối hợp với các ngành đưa ra giá vật liệu xây dựng đều có căn cứ cụ thể vào hóa đơn xuất bán hàng của các doanh nghiệp sản xuất, giá thực tế bán trên thị trường tỉnh Hà Nam để đưa ra mức giá cho phù hợp. Đối với các mặt hàng có biến động nhiều, các cơ quan chuyên môn sẽ phối hợp có thể công bố giá 3 tháng một lần. Còn về dự toán đầu tư xây dựng các công trình, các cơ quan chuyên môn cũng giao cho chủ đầu tư lập dự toán, tham khảo giá để đưa ra mức đầu tư phù hợp.
Để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp xây dựng và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, hầu hết các doanh nghiệp xây dựng trong tỉnh đều kiến nghị với Nhà nước có giải pháp tính toán điều chỉnh giá vật liệu xây dựng cho phù hợp với giá của thị trường. Về lâu dài, cần có giải pháp bình ổn giá vật liệu xây dựng và có thể cấp bù giá hỗ trợ doanh nghiệp trong thời điểm giá vật liệu xây dựng tăng đột biến, tránh tình trạng, khi giá vật liệu xây dựng tăng cao, chủ đầu tư nợ đọng vốn kéo dài, nhiều nhà thầu thi công cầm chừng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
ximang.vn (TH/ Báo Hà Nam)