Nhà máy Xi măng Yên Bình đang gặp khá nhiều khó khăn.
Đến năm 2015, nhu cầu xi măng ước tính khoảng 60 - 65 triệu tấn (quy hoạch dự báo 75 - 76 triệu tấn). Nếu tiếp tục đầu tư theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg thì đến năm 2015 tổng công suất các nhà máy xi măng sẽ đạt 94,24 triệu tấn, sẽ thừa khoảng 25 triệu tấn và đến năm 2020 sẽ lên đến 129,5 triệu tấn, sẽ thừa trên 40 triệu tấn công suất.
Hiện tại, Việt Nam trở thành nước đứng đầu trong khối ASEAN về năng lực sản xuất xi măng, trong khi nền kinh tế của ta còn theo sau với khoảng cách lớn so với các nước như Indonexia, Malaysia, Thái Lan. Trong khi đó khả năng & hiệu quả xuất khẩu xi măng là khó và kém Trong khi thị trường bất động sản chưa thể hồi phục mạnh, nguồn cung xi măng tiếp tục tăng, tiêu thụ trong nước mặc dù đã tăng trở lại từ nửa cuối tháng 3, sang đến tháng 4 nhưng khả năng sẽ chưa tăng mạnh.
Thực tế cung vượt cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến doanh nghiệp sản xuất xi măng. Đa số nhà máy xi măng lâm vào cảnh nợ nhiều, tổng vay nợ gấp từ 4 – 6 lần vốn chủ sở hữu, thậm chí kinh doanh thua. Hệ quả này đã ảnh hưởng tới quyền lợi của cổ đông, ngân hàng và của nhà nước (vốn tín dụng ưu đãi và vốn vay được nhà nước bảo lãnh ).
Về nguyên nhân, theo đánh giá của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI), việc có cơ chế bảo lãnh tín dụng cho đầu tư nhà máy xi măng khiến lãnh đạo nhiều tổng công ty nhà nước, lãnh đạo UBND tỉnh hăng hái xin tín dụng bảo lãnh. Nếu không có cơ chế này, nền kinh tế nước ta không thiếu xi măng và sự dư thừa có lẽ ở mức độ thấp hơn nhiều so với hiện tại.
“Trên thực tế thì có một số lãnh đạo doanh nghiệp nghĩ rằng làm giàu từ các dự án này dễ dàng và nhanh hơn là việc kiếm tiền chính đáng từ lợi nhuận hay cổ tức doanh nghiệp. Công ty có phá sản hay thua lỗ thì họ vẫn là “ triệu phú “ và ở thời điểm đó họ đã hạ cánh an toàn. Để ngăn chặn hệ quả này xảy ra trong tương lai thì phải có biện pháp chặt chẽ đối với những người lãnh đạo biến chất” VAFI khuyến nghị.
Đặc biêt, có việc dễ dãi trong công tác tín dụng từ các ngân hàng thương mại. VAFI cho rằng, nếu như tất cả ngân hàng chặt chẽ trong tín dụng đầu tư cho ngành xi măng thì sẽ không có tình trạng như ngày hôm nay. Tuy nhiên có lẽ do chạy đua tăng trưởng tín dụng, huy động vốn dễ dàng trong giai đoạn tăng trưởng nóng của thị trường chứng khoán (2005 – 2007); trình độ của cán bộ tín dụng yếu kém nên cũng có sự dễ dãi trong tín dụng đầu tư nhà máy xi măng
Để nhanh chóng cứu ngành xi măng thoát khỏi tình trạng như trên, VAFI cho rằng cần có thêm giải pháp là khuyến khích đầu tư FDI đầu tư vào các nhà máy xi măng nhằm các mục tiêu: Thu hút được nhà đầu tư chuyên nghiệp vào quản lý doanh nghiệp ; nhanh chóng thu hút được nguồn vốn khổng lồ để tái cấu trúc tài chính cho DN; mở ra thị trường xuất khẩu cho ngành xi măng, nhanh chóng giải quyết được tình trạng tồn kho dư thừa công suất cho ngành xi măng. Đặc biệt, với loại hình doanh nghiệp kinh doanh thuơng mại cần có quy định riêng về hạn mức đi vay đối với vốn vay ngắn hạn và vốn vay dài hạn.
Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam đã có văn bản kiến nghị Thủ tướng Chính
phủ, Bộ Xây dựng chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch phát triển xi
măng giai đoạn 2011-2020, tầm nhìn 2030. Theo đó, do khủng hoảng kinh tế
tài chính trong những năm qua, nhu cầu xi măng nội địa đã và đang giảm
mạnh. Hội đề nghị không tiếp tục đầu tư, đưa khỏi quy hoạch 9 dự án
chuẩn bị đầu tư; xem xét lại 9 dự án lò quay công suất 2.500 tấn
clinke/ngày dự kiến đầu tư giai đoạn 2016-2030 có công nghệ trung bình,
không phù hợp với sự phát triển của ngành xi măng hiện đại đến năm 2030.
Nếu tiếp tục đầu tư theo Quyết định số 1488/QĐ-TTg về quy hoạch phát
triển công nghiệp xi măng Việt Nam giai doạn 2011 - 2020 và định hướng
đến 2030 thì đến 2015 ngành xi măng sẽ dư thừa 25 triệu tấn và thừa tới
40 triệu tấn đến 2020.
|
Theo Báo Công Thương *