Trong khoảng 5 năm tới đây, dự kiến ngành xi măng sẽ nâng công suất thiết kế của mình thêm khoảng 17,8 triệu tấn/ năm. Trong khi tiêu thụ xi măng nội địa chỉ dừng ở mức tăng trưởng từ 4 - 5 triệu tấn/ năm, xuất khẩu lại đang có chiều hướng giảm, ngành xi măng liệu có khả năng bị dư thùa trong tương lai.

Tính đến thời điểm hiện tại, cả nước có 75 dây chuyền sản xuất xi măng, tương đương với công suất thiết thế toàn ngành khoảng 80,96 triệu tấn/ năm.
Trong khoảng từ 1 - 2 năm tới đây, ngành xi măng dự kiến sẽ có thêm khoảng 6 dây chuyền sản xuất xi măng mới đi vào hoạt động như Xi măng Tân Thắng công suất 2 triệu tấn/ năm, Xi măng FiCO công suất 1,4 triệu tấn/ năm, Xi măng Công Thanh công suất 3,6 triệu tấn/ năm, Xi măng Sông Lam (giai đoạn 1) công suất 4 triệu tấn/ năm, Xi măng Thanh Liêm công suất 2,3 triệu tấn/ năm, Xi măng Xuân Thành công suất 4,5 triệu tấn/ năm.
Dự báo trong vòng 5 năm tiếp theo, công suất thiết kế ngành xi măng của Việt Nam sẽ chạm mốc 98,76 triệu tấn/ năm. Hiện nay, Việt Nam đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Ấn Độ, Iran và Mỹ về sản lượng sản xuất xi măng đứng đầu Thế giới, khi 6 dây chuyền sản xuất mới đi vào hoạt động vị trí này có thể sẽ thay đổi lên vị trí thứ 3 hoặc 4.
Theo ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam đánh giá, trong vòng 1 - 2 năm tiếp theo nguồn cung xi măng có thể cân bằng với khả năng hấp thụ, còn những năm tiếp theo thì khó có thể dự báo chính xác.
Năm 2015, Việt Nam đang gặp khó khăn tại thị trường xuất khẩu xi măng. Tương lai không xa thị trường xuất khẩu rất có thể sẽ bị Trung Quốc thâu tóm do giá xuất khẩu clinker của Trung Quốc khoảng 31 USD/tấn thấp hơn Việt Nam 3 - 4 USD/ tấn.
Doanh nghiệp có tiềm lực về xuất khẩu xi măng như The Vissai cũng nhận định, xuất khẩu xi măng năm nay rất khó có thể đạt được kết quả khả quan như năm 2014. The Vissai là một trong số ít các doanh nghiệp xuất khẩu xi măng thu về lợi nhuận, còn đại đa số các doanh nghiệp vẫn coi xuất khẩu chỉ là giải pháp tình thế giúp điều tiết lượng hàng hóa.
Nhìn vào bức tranh tiêu thụ trong vòng 5 năm trở lại đây, tỷ lệ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu tương ứng các con số: Năm 2011 là 43,26 triệu tấn và 6 triệu tấn. Năm 2012 là 47,51 triệu tấn và 8,1 triệu tấn. Năm 2013 là 46,4 triệu tấn và 15,1 triệu tấn. Năm 2014 là 50 triệu tấn và 21,1 triệu tấn. 9 tháng đầu năm 2015 là 45,51 triệu tấn và 13,1 triệu tấn.
Tỷ lệ trên cho thấy, tiêu thụ xi măng đang tăng trưởng tại thị trường nội địa, còn xuất khẩu vẫn gặp khó khăn do bị xi măng Trung Quốc chèn ép về giá. Với mức tăng dự kiến từ 7 - 9% cho các năm tiếp theo và tỷ lệ nội địa tăng bình quân từ 4,5 - 5 triệu tấn/ năm, thì Việt Nam vẫn cần xuất khẩu khoảng 25 triệu tấn/năm. Tuy nhiên, thị trường xuất khẩu đang bị thu hẹp, nên năm 2015 xuất khẩu khó đạt con số 21,1 triệu tấn như năm 2014. Như vậy, nếu dư thừa xi măng Việt Nam sẽ bán đi đâu vẫn là câu hỏi chưa có đáp án.
Quỳnh Trang (TH)