Ngành Xi măng Việt Nam đóng vai trò quan trọng trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành này gặp rất nhiều khó khăn khi sản lượng tiêu thụ xi măng giảm mạnh, buộc nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm công suất hoạt động.
PGS.TS. Lương Đức Long, Tổng Thư ký Hiệp hội Xi măng Việt Nam nhận định, việc thiếu kiểm soát chất lượng sản phẩm đã gây ra tình trạng cạnh tranh không lành mạnh. Nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện về công nghệ và nhân lực nhưng vẫn đưa ra thị trường các sản phẩm có nhãn mác tương tự hàng chính hãng, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và các chủ đầu tư.
Thực tế cho thấy, trong năm 2023, tiêu thụ xi măng đã sụt giảm nghiêm trọng. 9 tháng đầu năm 2024, lượng tiêu thụ tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm trước. Dù đến tháng 10/2024 có dấu hiệu phục hồi nhẹ, nhưng nhìn chung, ngành Xi măng vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức lớn.

Một trong những vấn đề đáng lo ngại là sự tràn lan của hàng giả, hàng kém chất lượng. Nhiều nhà sản xuất xi măng trong nước bị ảnh hưởng nặng nề khi hàng giả xuất hiện trên thị trường, làm giảm lòng tin của khách hàng và gây tổn thất kinh tế nghiêm trọng. Tình trạng này đặc biệt phổ biến ở khu vực phía Nam, nơi thị trường xi măng bị xáo trộn mạnh.
Ngoài xi măng, các lĩnh vực khác như gạch ốp lát, sứ vệ sinh và kính xây dựng cũng chịu tác động không nhỏ. Nhiều nhà máy sản xuất gạch ốp lát và sứ vệ sinh buộc phải ngừng hoạt động từ 2 - 3 tháng, chỉ duy trì 50 - 70% công suất. Sản phẩm kém chất lượng, hàng nhập lậu khiến doanh nghiệp trong nước gặp khó khăn trong việc tiêu thụ, làm suy giảm sức cạnh tranh trên thị trường.
Kính xây dựng cũng không nằm ngoài vòng xoáy khó khăn. Từ năm 2023 đến giữa 2024, nhiều dây chuyền sản xuất kính phải dừng hoạt động trên 6 tháng. Việc thiếu kiểm soát chất lượng sản phẩm kính nhập khẩu có thể gây ra những sự cố nghiêm trọng, ảnh hưởng đến độ an toàn của công trình xây dựng.
Sự cạnh tranh từ hàng nhập khẩu không rõ nguồn gốc cũng là một yếu tố gây khó khăn cho ngành. Một số doanh nghiệp phản ánh rằng hàng nhập khẩu thường không chịu sự kiểm soát chặt chẽ như sản phẩm trong nước, tạo ra sự bất bình đẳng trong cạnh tranh. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch ốp lát và kính xây dựng mà còn làm suy yếu khả năng phát triển bền vững của ngành Vật liệu xây dựng.
Bộ Xây dựng khuyến cáo nếu không kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng, chi phí sửa chữa công trình có thể tăng cao, lên đến 50% giá trị vật liệu ban đầu. Điều này gây thiệt hại lớn về kinh tế và làm giảm tuổi thọ của các công trình xây dựng.
Trước thực trạng trên, cần có sự vào cuộc quyết liệt hơn từ các cơ quan chức năng để kiểm soát chất lượng vật liệu xây dựng trên thị trường. Việc siết chặt kiểm định chất lượng, xử lý nghiêm các vi phạm và thiết lập các hàng rào kỹ thuật phù hợp sẽ giúp ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam ổn định và phát triển bền vững trong tương lai.
ximang.vn (TH/ VnEconomy)