Những năm qua, Tổng Công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đã đóng góp một phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng của ngành xi măng nói riêng và nền kinh tế nói chung. Trong quá trình hoạt động, VICEM liên tục ứng dụng các biện pháp cải tiến, nâng cấp được trải đều trên các lĩnh vực hoạt động bao gồm khai thác, bảo trì, nâng cao hiệu suất thiết bị, sử dụng nhiên liệu thay thế cũng như các biện pháp quản lý sản xuất tiên tiến.
Hiện nay, VICEM có 8 công ty thành viên sản xuất clinker và hệ thống các trạm nghiền độc lập trải đều trên 3 miền đất nước. Hàng năm, VICEM sản xuất và cung cấp cho thị trường khoảng 19 triệu tấn xi măng các loại. Trong 5 năm qua, thị phần của VICEM thường duy trì ở mức 34% - 37% thị trường nội địa. Thời gian gần đây, căn cứ diễn biến thị trường, VICEM đã từng bước tìm kiếm thị trường xuất khẩu sản phẩm để đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh chung.

Tương quan thị phần xi măng Việt Nam giai đoạn 2011 - 2014.
Về công nghệ sản xuất, tất cả các dây chuyền sản xuất clinker thuộc VICEM đều sử dụng công nghệ lò quay được thiết kế, cung cấp bởi các Hãng nổi tiếng thế giới như FLSmidth, Polysius, Kawasaki, IHI... đảm bảo duy trì chất lượng ổn định, tiêu hao năng lượng thấp và đảm bảo các chỉ tiêu môi trường.
Nguyên liệu chính để sản xuất xi măng là đá vôi và đất sét, để đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất xi măng, hàng năm VICEM khai thác khoảng hơn 20 triệu tấn đá vôi và 5 triệu tấn đất sét. Sau một thời gian dài khai thác, trữ lượng các mỏ nguyên liệu đã giảm đi đáng kể. Sau một thời gian nhất định việc thăm dò khảo sát qui hoạch bổ sung đối với các mỏ đang khai thác là việc bắt buộc, mà mục đích chính cũng là phối trộn và sử dụng tối đa nguồn nguyên liệu, tránh lãng phí tài nguyên.
Để đảm bảo chất lượng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn cho sản xuất xi măng, nếu không có giải pháp công nghệ quản lý khai thác tốt thì các nhà máy sẽ phải tiến hành bóc và đổ đi một lượng lớn đất đá thải (khoảng 5-10%). Việc khai thác không đúng trình tự và quy hoạch sẽ dẫn đến tổn thất tài nguyên, gây nhiều ô nhiễm cho môi trường và làm tăng chi phí, giá thành sản phẩm. Chính vì vậy, VICEM đã nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào quản lý khai thác để tiết kiệm tài nguyên, đảm bảo chất lượng nguyên liệu cung cấp cho sản xuất, kéo dài tuổi thọ của mỏ, giảm giá thành khai thác và tăng hiệu quả của sản xuất kinh doanh.

Sơ đồ hệ thống đánh giá nguyên liệu và lập kế hoạch mỏ.
- Dựa vào kết quả khảo sát và thăm dò mỏ, các nhà thiết kế mỏ thực hiện thiết kế phát triển và kế hoạch mỏ. Thông thường, những thiết kế này chủ yếu chỉ dẫn những hệ số cơ bản ban đầu của hoạt động khai thác mỏ như số liệu hình học, an toàn, kế hoạch khai thác, tiêu hao năng lượng, thiết bị khai thác mỏ.
- Thi công Xây dựng cơ bản mỏ.
- Xưởng khai thác mỏ lập kế hoạch khai thác trung hạn và ngắn hạn, phối trộn khoảng 2-3 gương khai thác có chất lượng khác nhau (đánh giá bằng phương pháp lấy mẫu thí nghiệm thành phần hóa và theo kinh nghiệm) để cung cấp đá về nhà máy.
- Lấy phoi khoan để thí nghiệm mẫu và đánh giá chất lượng bãi mìn sau đó có kế hoạch xúc bốc cung cấp về nhà máy.
- Trong quá trình khai thác, xưởng khai thác mỏ phối kết hợp chặt chẽ với phòng Kỹ thuật và phòng Thí nghiệm để kiểm soát chất lượng đầu vào và sử dụng được tối đa nguồn nguyên liệu sẵn có.
Để quản lý hiệu quả hơn nguồn nguyên liệu, từ 2005 trở lại đây VICEM đã nghiên cứu áp dụng qui trình thực hiện khai thác mỏ theo mô hình khối (block model).
Trong mô hình này, tất cả các đặc điểm thích đáng của mỏ được sắp xếp một cách rõ ràng và theo hướng dễ sử dụng. Việc áp dụng theo mô hình này cho hiệu quả của sản xuất kinh doanh, đảm chất lượng nguyên liệu cung cấp cho sản xuất, kéo dài tuổi thọ của mỏ, giảm giá thành khai thác và tổn thất tài nguyên, gây nhiều ô nhiễm cho môi trường. VICEM đã ứng dụng thử nghiệm mô hình này tại Nhà máy Xi măng Bình phước (có cấu tạo mỏ phức tạp và khai thác xuống sâu) cho thấy hiệu quả quản lý khai thác rất rõ rệt.
(Còn nữa)
Lương Quang Khải (Chủ tịch HĐTV Vicem)
(Theo Tạp chí VLXD)
(Theo Tạp chí VLXD)