Cho phép khai thác cát những tháng cuối năm
Mới đây, UBND tỉnh Quảng Ngãiđã tổ chức cuộc họp giải quyết kiến nghị của 3 doanh nghiệp là các chủ mỏ cát về việc cho phép khai thác cát những tháng cuối năm. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho biết, sau khi thảo luận, tỉnh đã thống nhất cho phép các doanh nghiệp là chủ mỏ cát được khai thác trong 2 tháng (tháng 11 - 12/2023). Đây là quy định mới so với trước đó. Những năm trước, các chủ mỏ cát đều phải dừng khai thác từ ngày 1/10 đến ngày 31/12 để triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lũ. Tuy nhiên, xét thấy những tháng cuối năm 2023 không cần phải áp dụng triệt để quy định này nên tỉnh đã nới lỏng, cho phép chủ mỏ được khai thác bình thường.
UBND tỉnh Quảng Ngãi yêu cầu doanh nghiệp phải điều chỉnh phương án khai thác, cơ quan chức năng phải điều chỉnh giấy phép khai thác đã cấp trước đó cho phù hợp. Bắt đầu từ năm 2024, việc điều chỉnh này thực hiện ngay từ đầu năm, đảm bảo chủ mỏ được quyền khai thác 12/12 tháng, thay vì trước đây chỉ khai thác 9/12 tháng. Tuy được khai thác 12 tháng trong năm nhưng vào những tháng cuối năm, chủ mỏ cát phải chấp hành nghiêm quy định về ứng phó thiên tai, tuyệt đối không khai thác khi có thông báo mưa lớn, bão lũ.
Khai thác cát trên sông Trà Khúc tại mỏ cát Tịnh An - Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi).
Hiện nay, tình trạng cát không còn khan hiếm, vì nhiều mỏ cát thương mại trữ lượng lớn đã được đưa vào khai thác. Đó là mỏ Tịnh An - Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi), do Công ty CP Đầu tư Phát triển và Thương mại Bình Minh miền Trung làm chủ mỏ, diện tích hơn 50ha, trữ lượng được phép khai thác hơn 1,9 triệu m³; mỏ cát thôn An Tráng, xã Nghĩa Thắng (Tư Nghĩa) của Công ty TNHH MTV T&H Gia Lai và mỏ cát Vạn Xuân 2, xã Hành Thiện (Nghĩa Hành) của Công ty TNHH Xây dựng Vương Thắng. Tuy vậy, tình hình cung ứng cát ra thị trường toàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, do quãng đường vận chuyển xa, nhất là đến khu vực phía Nam, phía Tây của tỉnh. Giá cát hiện được các chủ mỏ niêm yết tại mỏ vẫn ở mức cao, bình quân 320.000 - 360.000 đồng/m³. Giá này cộng với phí vận chuyển (khoảng 4.000 đồng/km) sẽ đội giá cát tại chân công trình lên mức khá cao. Giá cát xây dựng cao khiến cho hoạt động xây dựng gặp không ít khó khăn.
Theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Nguyễn Hữu Hồng, giá cát trên thị trường thực tế cao hơn giá do chủ mỏ kê khai. Ở thời điểm cuối năm, giá cát thường cao hơn. Sở Xây dựng thường xuyên nắm thông tin giá cát để kịp thời quản lý, không để xảy ra tăng giá bất thường. Việc bình ổn giá cát phải đi đôi với bình ổn cung - cầu thị trường. Do đó, tỉnh cần đấu giá, đưa vào khai thác các mỏ cát đã nằm trong kế hoạch, nhất là mỏ cát ở khu vực miền núi, nông thôn để thị trường cát được thông suốt.
Xác định mỏ cát cho các công trình trọng điểm
Về vấn đề cung ứng cát phục vụ công trình, dự án đầu tư công của tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Phước Hiền cho biết, việc xác định các mỏ cát phục vụ công trình quan trọng của tỉnh sẽ triển khai ngay từ khi xây dựng dự án. Mục đích là tránh tình trạng bị động trong cung ứng cát, không để việc thi công chậm trễ vì thiếu cát. Điều này còn góp phần xóa tình trạng khan hiếm, đẩy giá cát lên cao đột biến. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có công trình trọng điểm quốc gia là dự án Xây dựng công trình đường bộ Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2021 - 2025 được xác định mỏ cát để phục vụ thi công. Điều này tạo thuận lợi trong đẩy nhanh tiến độ toàn dự án.
Hiện nay, tỉnh đang tiếp tục khoanh vùng các mỏ cát phục vụ thi công dự án trọng điểm của tỉnh là đường Hoàng Sa - Dốc Sỏi (tổng vốn đầu tư 3.500 tỷ đồng), dự kiến khởi công vào cuối tháng 12/2023. Để đảm bảo nguồn cát phục vụ thi công công trình, tỉnh đang lấy ý kiến để đưa 9 mỏ vào khai thác không thông qua đấu giá. Theo Sở TN&MT, 9 mỏ cát này nằm trên địa bàn 5 xã Bình Thới, Bình Chương, Bình Trung, Bình Minh và Bình Mỹ (Bình Sơn), với tổng diện tích gần 43ha. Trong đó, mỏ có diện tích lớn nhất nằm trên địa bàn xã Bình Mỹ (khoảng 11ha); mỏ nhỏ nhất ở thôn Phú Lộc, xã Bình Trung (khoảng 1,2ha); số mỏ còn lại có diện tích từ 1,4 - 9ha/mỏ.
ximang.vn (TH/ Báo Quảng Ngãi)