Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Điện Biên có 5 loại khoáng sản đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp phép khai thác cho 25 doanh nghiệp với 32 điểm mỏ khoáng sản.

Trong đó: 20 điểm mỏ khai thác đá làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng được phép khai thác trên 18,2 triệu m3; 7 điểm mỏ khai thác cát làm vật liệu xây dựng thông thường với tổng trữ lượng được cấp phép là 354.876,7 m3; 1 điểm mỏ khai thác đá vôi làm nguyên liệu sản xuất xi măng 12,78 triệu m3; 1 điểm mỏ khai thác chì kẽm với tổng trữ lượng được phép khai thác là 244.076 tấn; 3 điểm mỏ khai thác than với tổng trữ lượng được phép khai thác là 351.416 tấn.
Ông Nguyễn Thành Trung, Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên và Môi trường) cho biết, thực hiện Luật Khoáng sản và các quy định về lĩnh vực phát triển, quản lý, khai thác khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường đã tích cực tham mưu UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về quản lý các hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh như: Phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản; quy chế hoạt động khoáng sản; thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản; tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thăm dò, khai thác, vận chuyển và tiêu thụ khoáng sản trên địa bàn tỉnh... Trên cơ sở đó, cấp ủy, chính quyền các cấp đã chỉ đạo triển khai thực hiện nên công tác quản lý hoạt động khai thác, chế biến, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn tỉnh có những chuyển biến tích cực. Các cơ quan chuyên môn, quản lý nhà nước duy trì kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong lĩnh vực thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản, đặc biệt là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường. Sở Tài nguyên và Môi trường đã chủ trì và tham gia các đoàn liên ngành tiến hành nhiều cuộc thanh tra, kiểm tra công tác quản lý, khai thác khoáng sản đối với các doanh nghiệp được cấp quyền khai thác; phối hợp với chính quyền địa phương và các ngành chức năng để xử lý các trường hợp vi phạm.
Huyện Tủa Chùa hiện có 3 điểm mỏ được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, với thời gian khai thác 30 năm, công suất khai thác 8.000m3/năm. Thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010, các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, hướng dẫn của Sở Tài nguyên và Môi trường, huyện Tủa Chùa đã triển khai thực hiện nghiêm công tác quản lý Nhà nước về khoáng sản nói chung và khoáng sản là đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường. Hàng năm, UBND huyện phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng kiểm tra, giám sát hoạt động khai thác đá vôi làm vật liệu xây dựng thông thường, cũng như tập trung bảo vệ và ngăn chặn hoạt động khai thác đá trái phép. Cùng với đó, xây dựng kế hoạch, thành lập đoàn kiểm tra của huyện với sự tham gia của chính quyền các xã có điểm mỏ đang hoạt động.
Ông Nguyễn Trung Thành, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Tủa Chùa cho biết: Nội dung kiểm tra tập trung về việc các doanh nghiệp có thực hiện khai thác đúng tọa độ, diện tích, mức sâu, trữ lượng, công suất theo quy định hay không? Có thực hiện đúng, đủ các nội dung trong báo cáo đánh giá tác động môi trường? Phương pháp, quy trình kỹ thuật; đảm bảo an toàn kỹ thuật, an toàn mỏ, an toàn lao động, an toàn vật liệu nổ; nghĩa vụ đóng thuế tài nguyên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản… Ngoài ra, khi có phản ánh của nhân dân, UBND huyện chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với UBND các xã, thị trấn thành lập đoàn công tác kiểm tra, xác minh và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm.
Ðể thực hiện tốt công tác quản lý, khai thác khoáng sản trên địa bàn, thời gian tới, Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh về việc cấp giấy phép hoạt động khoáng sản và quản lý hoạt động khoáng sản; thực hiện đấu giá quyền khai thác khoáng sản sau khi có đầy đủ các căn cứ theo quy định của pháp luật. Ðồng thời, nâng cao chất lượng công tác lập, thẩm định, phê duyệt và xác nhận hoàn thành các báo cáo đánh giá tác động môi trường, kế hoạch bảo vệ môi trường. Trong đó đặc biệt chú trọng phương án cải tạo phục hồi môi trường đối với các dự án khai thác khoáng sản; kiên quyết không phê duyệt những dự án sử dụng công nghệ lạc hậu có tác động lớn hoặc tiềm ẩn nguy cơ cao đối với môi trường.
ximang.vn (TH/ Báo Điện Biên)