Nhu cầu sụt giảm do khủng hoảng nhà ở
Năm 2024, nhu cầu xi măng tại Trung Quốc giảm 8% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 1.858,9 triệu tấn. Công suất tại các nhà máy xi măng giảm xuống mức 50%, trong khi sản lượng xi măng giảm 9,8% so với năm 2023, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS). Xu hướng này dự báo sẽ tiếp tục khi ngành Bất động sản nước này suy thoái, buộc các nhà sản xuất xi măng phải tìm kiếm thị trường nước ngoài.

Thị trường nhà ở Trung Quốc đang gặp khó khăn nghiêm trọng do tình trạng dư thừa nguồn cung, khiến giá nhà giảm mạnh ở nhiều thành phố. Bộ trưởng Bộ Nhà ở và Phát triển Đô thị - Nông thôn Trung Quốc, ông Ni Hong, cho biết Chính phủ đã phê duyệt danh sách “trắng” các dự án nhà ở đủ điều kiện tài trợ với tổng giá trị lên đến 562 tỷ USD vào cuối năm 2024. Tuy nhiên, theo Goldman Sachs, tổng giá trị hàng tồn kho bất động sản nếu hoàn thiện có thể lên tới 93.000 tỷ CNY (13.00 tỷ USD), vượt xa lượng nhà ở mới xây dựng.
Dù Chính phủ Trung Quốc đã đưa ra các biện pháp hỗ trợ như cấp khoản vay 200 tỷ CNY cho doanh nghiệp Nhà nước mua lại nhà tồn kho, nhưng tình hình vẫn chưa cải thiện. Nghiên cứu từ Goldman Sachs cho thấy rằng cần một gói kích thích lên tới 8.000 tỷ CNY để giải quyết lượng tồn đọng xây dựng và tái cơ cấu nợ cho ngành Bất động sản.
Đầu tư vào hạ tầng trong nước, nước ngoài
Bên cạnh đó, Chính phủ Trung Quốc đang thúc đẩy đầu tư vào các dự án hạ tầng lớn nhằm tạo động lực phát triển nền kinh tế. Một trong những dự án đáng chú ý là xây dựng đập thủy điện lớn nhất thế giới trên sông Yarlung Tsangpo, với chi phí ước tính 127 tỷ CNY. Dự án này sẽ cung cấp sản lượng điện gấp 3 lần đập Tam Hiệp, hiện là nhà máy thủy điện lớn nhất thế giới.
Khi thị trường trong nước gặp khó khăn, các công ty xây dựng Trung Quốc đang mở rộng đầu tư vào thị trường nước ngoài. Các dự án cơ sở hạ tầng tại Việt Nam, đặc biệt là tuyến đường sắt cao tốc nối Trung Quốc và Việt Nam, đang thu hút sự quan tâm lớn. Hệ thống metro tại Hà Nội và TP.HCM cũng nằm trong danh sách ưu tiên của các Tập đoàn xây dựng Trung Quốc. Tuyến đường sắt cao tốc Bắc - Nam tại Việt Nam dài 1.500 km đã bắt đầu thi công và dự kiến hoàn thành vào năm 2035.
Ngoài ra, Trung Quốc cũng mở rộng đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng tại Bangladesh trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI). Đến năm 2023, đã có 150 quốc gia đã tham gia BRI. Thương mại giữa Trung Quốc với các nước này chiếm hơn 50% tổng kim ngạch thương mại của nước này trong năm 2024.
Trong bối cảnh kinh tế bất ổn, chiến lược đẩy mạnh xuất khẩu xi măng và mở rộng đầu tư ra nước ngoài có thể giúp các doanh nghiệp Trung Quốc duy trì tăng trưởng, đồng thời giảm thiểu tác động từ suy thoái bất động sản trong nước.
ximang.vn (TH/ Cemnet)