Ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu Xây dựng Việt Nam (VABM) phát biểu khai mạc Hội thảo.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Tống Văn Nga, Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam, cho biết, để phát triển ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đại và bền vững, ông Tống Văn Nga mong muốn chính quyền các cấp, các đơn vị nghiên cứu, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực vật liệu xây dựng tiếp tục quan tâm, đi sâu nghiên cứu, để đưa ra những nội dung hiệu quả và bổ ích khi áp dụng vào thực tế cuộc sống.
Tại Hội thảo, ông Nguyễn Quang Hiệp, Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) khái quát những thành tựu về năng lực sản xuất vật liệu xây dựng trong 40 năm qua. Sản xuất vật liệu xây dựng trong nước nhờ áp dụng khoa học công nghệ đã có những bước tiến vượt bậc về năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm đáp ứng các yêu cầu ngày càng cao của thị trường.
Trong đó, một số loại sản phẩm vật liệu xây dựng quan trọng như: xi măng, gạch gốm ốp lát, kính xây dựng, sứ vệ sinh, sắt thép… đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tổng giá trị doanh thu hàng năm ngành Vật liệu xây dựng ước đạt 47 tỷ USD, chiếm khoảng 11% GDP quốc gia, đặc biệt ngành công ngiệp vật liệu xây dựng đã đầu tư và xử lý rác thải trong các lò nung sản xuất, góp phần bảo vệ môi trường. Hiện nay, ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam tiếp tục tập trung trong việc nghiên cứu phát triển các chủng loại vật liệu xây dựng mới, tính năng cao như: vật liệu xây dựng xanh; vật liệu xây dựng ứng dụng nghệ nano trong sản xuất; công nghệ in 3D.
Theo ông Lê Trung Thành Vụ trưởng Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cũng nêu lên những khó khăn mà ngành Vật liệu xây dựng đang phải đối mặt như: sản lượng tiêu thụ và doanh thu đều sụt giảm dẫn đến nguy cơ đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp; nhiên liệu sản xuất, điện, nguồn nguyên liệu,… luôn biến động, tăng giá và phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu; sức ép về bảo vệ môi trường, giảm tiêu hao nguyên liệu trong sản xuất; quy định về hàng rào kỹ thuật, quy chuẩn riêng theo quy định của từng nước nhập khẩu; cơ chế về chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp chưa rõ ràng.
Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam kiến nghị, về tháo gỡ trước mắt cần có chính sách để tiếp tục giảm lãi suất vốn vay. Giảm thuế suất, thuế xuất khẩu cho các mặt hàng vật liệu xây dựng theo đúng quy định trong Luật Thuế, cụ thể là clinker xi măng, đá ốp lát tự nhiên. Về lâu dài, Nhà nước cần duy trì và tăng cường chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc chuyển giao công nghệ mới, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại. Tiếp tục thực hiện chính sách tăng cường sản xuất và ứng dụng vật liệu xây dựng thân thiện môi trường.
Tại Hội thảo, các đại biểu tích cực thảo luận các nội dung và đề xuất giải pháp phát triển ngành Vật liệu xây dựng Việt Nam hiện đại và bền vững, như: Thực trạng và giải pháp phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam; Nhìn lại 4 thập kỷ phát triển của ngành Xi măng Việt Nam; Triển khai kinh tế tuần hoàn tại Tổng Công ty Xi măng Việt Nam; Giải pháp đồng xử lý chất thải tại INSEE Việt Nam hướng tới Net Zero; Các sản phẩm carbon thấp của SCG Việt Nam; Công nghệ mới trong đa dạng hóa sản xuất sản phẩm xi măng sợi; Tái chế tro xỉ, thạch cao của ngành công nghiệp nhiệt điện than và phân bón hóa chất - ứng dụng sản xuất vật liệu xây dựng xanh, bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn; Cầu cạn sử dụng bản bê tông cốt thép trên cọc ly tâm PRC; Công nghệ sản xuất và ứng dụng sàn rộng dự ứng lực; Nghiên cứu và ứng dụng bê tông siêu tính năng ở Việt Nam.
ximang.vn (TH)