Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 687/QĐ-TTg ngày 07/06/2022 phê duyệt Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn ở Việt Nam, đề ra nhiều nhiệm vụ trong đó có hoàn thiện cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn, khung chính sách dài hạn để khuyến khích, ưu đãi, và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế tuần hoàn.
Trong đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất, 4 lĩnh vực được phép thử nghiệm tại Cơ chế thử nghiệm phát triển kinh tế tuần hoàn gồm có: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp; năng lượng tái tạo và vật liệu xây dựng. Theo đó, các dự án thử nghiệm thuộc 4 lĩnh vực trên sẽ được tiếp cận, vay vốn ưu đãi xanh của các tổ chức tín dụng, quỹ đầu tư và hợp tác với các đơn vị có chức năng phát hành trái phiếu xanh.
Lý giải về đề xuất này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay, lĩnh vực vật liệu xây dựng được lựa chọn là 1 trong 4 lĩnh vực sẽ được tiếp cận, vay vốn ưu đãi xanh nhằm đáp ứng yêu cầu sản xuất và phát triển bền vững của ngành, nhất là trong bối cảnh Việt Nam vẫn đang có nhu cầu xây dựng hạ tầng và các công trình dân dụng tương đối lớn.
Theo Bộ này, hiện tại các quy định về tín dụng xanh còn thiếu. Bản thân các tổ chức tín dụng cũng ngần ngại trong việc cung ứng tín dụng xanh, do khung pháp lý chưa thực sự rõ ràng (chủ yếu phải dựa trên khung ESG). Trong khi đó, ngay cả khi có các quy định pháp lý cụ thể thì rủi ro tiếp cận tín dụng xanh vẫn còn khi mà các nước gia tăng các quy định về phát triển bền vững, trong đó có các tiêu chuẩn xanh liên quan đến sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam. Tương tự, các quy định về trái phiếu xanh còn thiếu. Bản thân các định chế tài chính cũng ngần ngại trong việc đầu tư vào trái phiếu xanh do khung pháp lý chưa thật rõ ràng.
Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị, các dự án kinh tế tuần hoàn có thể tham gia cơ chế thử nghiệm thông qua việc được cấp giấy chứng nhận đăng ký. Tùy thuộc vào loại hình dự án (toàn phần hoặc bán phần), cơ chế này cho phép các dự án được tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi, vay vốn không bảo lãnh Chính phủ, và các khoản tín dụng xanh từ tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Quỹ phát triển địa phương và các quỹ khác như quỹ môi trường, quỹ phát triển xanh, quỹ an sinh xã hội, quỹ khoa học công nghệ của doanh nghiệp, tổ chức và định chế tài chính.
Ngoài ra, các dự án tham gia Cơ chế thử nghiệm cũng được tiếp cận vốn thông qua trái phiếu xanh nhưng với giới hạn cụ thể và phải bảo đảm các quy định về phát hành trái phiếu xanh. Bên cạnh vốn ưu đãi, Bộ Kế hoạch và Đầu tư còn đề xuất Nhà nước hỗ trợ 50 - 70% phí đào tạo nghề, khóa học quản trị doanh nghiệp. Cơ quan quản lý sẽ nghiên cứu xây dựng thử nghiệm sàn giao dịch trái phiếu xanh, tín chỉ carbon tự nguyện… Theo dự thảo, mức độ ưu đãi các chính sách nói trên sẽ dựa trên tiêu chí phân loại xanh. Thời gian của cơ chế thử nghiệm kéo dài tối đa 5 năm, có thể gia hạn một lần. Kết quả sẽ được sử dụng làm căn cứ để cơ quan có thẩm quyền xây dựng và hoàn thiện khung pháp lý, quy định quản lý chính thức.
ximang.vn (TH)