Phó Thủ tướng Lê Văn Thành chỉ đạo, Bộ GTVT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu và hoàn thiện quy trình, cơ sở pháp lý để có thể sử dụng cát biển làm vật liệu cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Công văn số 583/TTg-QHĐP ngày 11/7/2022 của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu đánh giá tài nguyên khoáng sản phục vụ khai thác cát biển để đáp nhu cầu san lấp tại các dự án đường cao tốc và hạ tầng giao thông, đô thị vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao. Bộ GTVT cần phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan khẩn trương hoàn thiện quy trình, cơ sở pháp lý để sử dụng cát biến làm vật liệu cho các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông.
Theo Bộ GTVT, trong giai đoạn 2021 - 2025 và các giai đoạn tiếp theo, vùng Đồng bằng sông Cửu Long cần tổng nhu cầu cát đắp nền đường của các dự án khoảng 39 triệu m³, trong đó Dự án cao tốc Cần Thơ - Cà Mau 18,5 triệu m³, Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 17,8 triệu m³, Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu 1,3 triệu m³, Dự án cao tốc Mỹ An - Cao Lãnh 1,4 triệu m³.
Chưa kể các dự án giao thông khác do các địa phương đầu tư sẽ triển khai trong thời gian tới.
Trong đó, nhu cầu trong năm 2023 khoảng 16 triệu m³, năm 2024 khoảng 20 triệu m³. Trong khi đó, tình hình khai thác, cung ứng cát tại các khu vực Đồng bằng sông Cửu Long cho các dự án giao thông tại các khu vực rất hạn chế.
ximang.vn (TH)