Việc ban hành chính sách phù hợp sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho DN phát triển
Tại Hội thảo, đã có nhiều ý kiến tham luận của các đại biểu được trình bày. Ông Đậu Anh Tuấn - Trưởng ban Pháp chế VCCI cho biết, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều nỗ lực để quy trình xây dựng văn bản pháp luật trở nên minh bạch, đi vào thực chất. Điều này được thể hiện qua việc soạn thảo và ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996, sửa đổi, bổ sung năm 2002, sửa đổi toàn diện năm 2008 và hiện nay đang tiếp tục được soạn thảo để thay thế.
Theo đó, các sửa đổi hướng đến tính minh bạch và công khai của quy trình xây dựng văn bản pháp luật và nâng cao trách nhiệm hơn của các cơ quan Nhà nước trong việc soạn thảo văn bản, đặc biệt là các văn bản pháp luật liên quan đến doanh nghiệp.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, các văn bản luật có tính chất khung vì có nhiều điều khoản dừng lại ở quy định mang tính nguyên tắc hoặc chung nhất chưa thể áp dụng ngay vào cuộc sống. Vì vậy, cần phải có các văn bản quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý thấp hơn quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật.
Hệ thống luật pháp của Việt Nam hiện nay rất nhiều và phức tạp - đó là ý kiến của ông Mai Đình Mạnh – Tổng thư ký Hiệp hội công nghiệp Kỹ thuật điện Việt Nam cho rằng; “Luật này có những vấn đề chồng chéo lên luật khác gây khó khăn trong quá trình thực hiện và vận dụng thực tế trong các lĩnh vực”, ông Mạnh bức xúc.
Từ thực tế này, các đại biểu đều nhất trí rằng, việc ban hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi sẽ giúp các bộ, ngành, cơ quan quản lý pháp luật, các tỉnh, thành phố, các địa phương có tiêu điểm, có chuẩn mực trong việc soạn thảo và ban hành các văn bản pháp luật.
Bên cạnh đó, cần phải bảo đảm đến mức cao nhất tính minh bạch của văn bản luật, ngăn chặn triệt để tình trạng đưa lợi ích cục bộ, lợi ích nhóm và văn bản luật; phải hạn chế đến mức thấp nhất các văn bản dưới luật, quy định chi tiết thi hành luật để bảo đảm tính thống nhất của hệ thống văn bản pháp luật. Trong quá trình xây dựng luật, cần phải đưa doanh nghiệp vào đối tượng để lấy ý kiến tham vấn, đóng góp.
Dự thảo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật sửa đổi có 16 chương, 158 điều, quy định nguyên tắc, thẩm quyền, trình tự, thủ tục xây dựng, ban hành và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật; trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc xây dựng và tổ chức thi hành văn bản quy phạm pháp luật. Luật này không quy định việc làm Hiến pháp, sửa đổi Hiến pháp, không quy định việc ban hành văn bản có chứa quy phạm, nhưng chỉ áp dụng trong nội bộ cơ quan, đơn vị.
|
Theo Báo Công Thương *