Hiện tại, nhiều DN đầu tư xây dựng than trời về khó khăn đang bủa vây tứ phía. Đa phần lý do được viện dẫn vì nguyên nhân tại khủng hoảng kinh tế tài chính và diễn biến bất thường của thị trường BĐS. Điều đó hẳn nhiên không sai, tuy nhiên, còn một lý do quan trọng khác, đó là khâu quản trị của tự bản thân DN còn tồn tại rất nhiều bất cập. Nói cho đúng là phải “tiên trách kỷ”… trước khi đổ lỗi cho diễn biến bất thường của nền kinh tế.

Trong bối cảnh này, đương nhiên chẳng DN nào có thể tăng trưởng và phát triển mạnh. Tất cả đều giảm tốc, thậm chí nhiều DN đang và sẽ phá sản. Nhưng dù khó khăn đến mấy thì vẫn có không ít DN đang duy trì được nền tảng hoạt động và bộ máy tổ chức cơ bản, lợi nhuận có thể giảm sút, nhưng không bị rơi vào tình trạng “ăn cụt vốn”. Không khó để nhận ra đó là những DN làm ăn nghiêm túc, trong quá khứ họ chấp nhận tiến từng bước kiểu “chậm nhưng chắc”, bất chấp xung quanh DN nào cũng tăng trưởng như vũ bão, cả về doanh số, sản lượng, đầu việc, dự án, lực lượng lao động… Họ chấp nhận mình là những DN nhỏ, khiêm nhường, không ăn to nói lớn, không có điều kiện khuếch trương nhưng lặng lẽ chinh phục những mảng “thị trường ngách” - những phần việc mà các ông lớn không đếm xỉa.
Ngẫm ra tiền nhân không sai khi đúc kết một cách sâu cay, rằng “dục tốc thì bất đạt”. Trong bối cảnh khó khăn kéo dài triền miên, cũng không xuất hiện thêm bất cứ gói cứu trợ nào như bối cảnh 2008 nữa, không ít “ông lớn” đã hiện nguyên hình người khổng lồ trên đôi chân đất sét! Một TCty hùng mạnh, trong vòng vài năm ra đời đã “dinh” ngay về danh hiệu thi đua tột bậc nhưng kết quả kiểm toán cho thấy ăn vào vốn tự bao giờ.
Không ít Cty từ một DN quy mô nhỏ, nhờ từng rất thành công ở một vài dự án đầu tư BĐS, nổi đình nổi đám, trống dong cờ mở ngay lập tức thực hiện chiến lược đầu tư gối đầu hàng loạt dự án mới nhưng vì lúc này đã đứng vào hàng “ông lớn” nên cách thức tiếp cận dự án ở những lần kế tiếp này của họ nhiều phần bạo tay hơn. Khâu nghiên cứu lập dự án đầu tư BĐS có phần trễ nải về các bài toán kinh tế có liên quan đến sự thành bại của dự án, mà chủ yếu tập trung vào quy mô - kiến trúc, tiếng vang của thương hiệu. Nếu thị trường diễn biến tốt, thì việc dự án này thất bại cũng không khó hiểu chứ đừng nói đến khi toàn thị trường cùng lâm vào cảnh bế tắc.
Công thức chung dẫn tới các DN từng đầu tư kinh doanh BĐS rất thành công nhưng lại nhanh chóng chìm vào khó khăn là sớm hài lòng với kết quả ban đầu, tự huyễn hoặc mình rằng có thể yên vị mãi trên thành công đó mà lơ là khâu quản trị DN, kiểm soát đầu tư. Một trong những giám đốc DN thế này, giờ thừa nhận: “Lúc đó mình… ngộ tiền!” Nghĩa là dự án đầu nhìn thấy có lãi to quá, nên ngay lập tức quyết định đầu tư hàng loạt dự án khác. Có kế hoạch đầu tư thì phải có máy móc thiết bị thi công. Mà toàn dự án lớn thì khả năng lãi càng cao nên chẳng ngại gì mà không đầu tư dự án mua sắm thiết bị thi công. Thế là gói thiết bị lên đến vài ba triệu euro ra đời. Rồi lại tính tiếp, dự án của mình nhiều thế, chẳng dại gì mà để khâu cung cấp VLXD cho kẻ khác. Vậy là hàng loạt dự án VLXD, sản phẩm cửa nhôm cửa nhựa, sắt thép, tấm ốp tường, đồ gỗ nội thất, thép cán, thép cuộn… cứ thi nhau chào đời.
Như vậy trong lúc mọi dự án còn đang nằm trên giấy, hoặc đang tiến hành khảo sát đầu tư, thậm chí chưa có cả quyết định đầu tư thì hàng loạt khu đất lớn trên khắp mọi miền đất nước đã được mua rất vội vàng với hy vọng xây dựng chuỗi các dự án lớn, qua đó khuếch trương thương hiệu Cty. Lãi của một dự án mà đầu tư dàn trải ra nhiều dự án. Hàng chục tỷ đồng cho mỗi một lần cao hứng… vẽ voi được chi ra!
Đó là chưa kể đến sự hoang phí trong chi phí hàng ngày của DN. “Tích tiểu thành đại”, cho đến một ngày chính bản thân ông chủ nhận ra mình phải tiếp tục vẽ ra các dự án mới để mong tạo ra các dòng tiền mới nhằm triển khai nốt dự án ban đầu - cái dự án lãi thực và lãi rất cao ấy nay cũng không có tiền để thi công theo đúng cam kết với khách hàng vì cả vốn lẫn lãi đều đem ra tung hứng cho các cuộc đầu tư “vô tiền khoáng hậu”.
Thực tế này không chỉ xảy ra trong phạm vi một vài DN, chỉ có điều nó diễn biến dưới nhiều hình thức khác nhau, nhiều biến thể đa dạng. Nhưng chung quy lại đó là sự dễ dãi trong quản lý vận hành các dòng tiền trong đời sống hoạt động kinh doanh của DN.
Bài toán quản trị DN theo những nguyên tắc cứng rắn về quản lý tài chính - nghe ra có phần sách vở - nhưng nếu như được thực hiện nghiêm, chí ít cũng sẽ hạn chế được rất nhiều sự đổ vỡ đáng tiếc và cũng không đáng có.
Theo baoxaydung