Mới đây, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chính thức tăng giá điện 3%. Chi phí điện hiện chiếm khoảng 10 - 15% trên cơ cấu giá vốn của các doanh nghiệp sản xuất sắt thép, xi măng. Theo một số tính toán, giá bán lẻ điện bình quân tăng khiến giá thành thép tăng khoảng 0,18% và 0,45% đối với xi măng.

Ông Lê Nam Khánh, Tổng Giám đốc Tổng Công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) đánh giá, chi phí điện đang chiếm tỷ lệ khá lớn nên việc tăng giá điện sẽ tác động không nhỏ đến giá thành sản phẩm. Do đó, trong thời gian tới, ngành Xi măng cũng phải tính toán đến phương án tăng giá để bù đắp chi phí sản xuất.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2023, ông Lưu Đình Cường, Tổng Giám đốc Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (mã HT1) cho biết, trong năm nay, Vicem Hà Tiên sẽ chỉ tăng giá khi giá điện tăng để bù đắp vào phần chi phí điện tăng thêm. Nếu áp dụng giá điện mới, mỗi tháng, Công ty phải chi tăng thêm hàng chục tỷ đồng tiền điện nên chủ trương của doanh nghiệp sẽ tăng giá bán để bù lỗ.
Hiện tại, Vicem Hà Tiên vẫn đang nghe ngóng và chuẩn bị các phương án về giá bán sản phẩm và đồng thời sẽ thực hiện cắt giảm các chi phí trong hoạt động kinh doanh để gia tăng nguồn lực và tạo thêm lợi thế.
Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA) cho rằng, nếu áp dụng giá điện mới, các doanh buộc phải điều chỉnh giá bán để bù đắp chi phí sản xuất và người tiêu dùng sẽ phải chịu phần chi phí tăng thêm này.
Trong đợt tăng giá điện gần nhất vào tháng 3/2019, nhiều doanh nghiệp vật liệu như sắt thép, xi măng cũng phải điều chỉnh tăng giá mới để bù đắp chi phí sản xuất, đảm bảo hiệu quả kinh doanh. Các thương hiệu như Vicem Hoàng Thạch, Vicem Hạ Long, Vicem Hà Tiên, Vicem Bỉm Sơn,… đã tăng từ 20.000 - 50.000 đồng/tấn. Trong khi đó, các doanh nghiệp thép như Gang thép Thái Nguyên, SSE Steel… cũng tăng từ 100.000 - 200.000 đồng/tấn.
Tuy nhiên, nếu chi phí điện tăng thêm mà doanh nghiệp không thể chuyển tiếp sang cho người dùng, ước tính, lợi nhuận trước thuế ngành Xi măng có thể giảm tới 13%. Điều này cũng tương tự như đối với ngành Thép khi lợi nhuận trước thuế các doanh nghiệp có thể đi xuống 15%.
Không chỉ giá điện, hầu hết các doanh nghiệp còn đang chịu cả sự tác động lớn từ giá nguyên liệu đầu vào tăng. Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 giảm 0,34% so với tháng trước với 7/11 nhóm hàng hoá giảm giá. Đáng chú ý, mặc dù nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng giảm 0,83%, nhưng so với cùng kỳ năm trước vẫn cao hơn 5,2% do giá nguyên vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, cát xây dựng và chi phí thuê nhà ở tăng cao.
Để giảm thiểu ảnh hưởng của chi phí đầu vào đến hoạt động sản xuất kinh doanh, các doanh nghiệp sản xuất thép và xi măng nhiều khả năng sẽ điều chỉnh tăng giá bán trong thời gian sắp tới. Theo đó, ông Nguyễn Tiến Thoả, Chủ tịch Hội Thẩm định giá Việt Nam cho rằng, Nhà nước cần yêu cầu tất cả doanh nghiệp đăng ký giá, kê khai giá phải báo cáo chi tiết giá thành sản xuất kinh doanh của mình khi giá điện tăng 3% tránh tình trạng doanh nghiệp lợi dụng việc tăng giá điện để tăng giá hàng hoá, ảnh hưởng đến người tiêu dùng.
ximang.vn (TH)