Theo số liệu từ Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá xây dựng tháng 9 đã tăng 4,69 % so với thời điểm đầu năm; trong đó, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 9 tăng 0,94% so với tháng trước. Cụ thể, giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 0,07% do giá xi măng, gạch xây, gạch bê tông, tấm lợp, sơn tường tăng theo giá nguyên liệu đầu vào phục vụ cho sản xuất.
Với ngành
Xi măng, các nhà máy sản xuất đang rất khó khăn trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào cao, đặc biệt là giá than. Tính toán sơ bộ cho thấy, giá than hiện chiếm trên 60% giá thành sản xuất xi măng khiến doanh nghiệp sản xuất xi măng đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt về giá.
Theo các chuyên gia, thời gian tới, tình hình Kinh tế - Chính trị Thế giới phức tạp, khó lường; xung đột Nga - Ukraine vẫn diễn biến căng thẳng có thể khiến giá xăng dầu của Thế giới và trong nước tiếp tục tăng cao.
Trong trường hợp giá xăng dầu điều chỉnh tăng mạnh cũng sẽ ảnh hưởng tới giá nguyên vật liệu đầu vào, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành xây dựng, vật liệu xây dựng. Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phải điều chỉnh giảm sản lượng sản xuất, vì càng sản xuất càng lỗ.
Giám đốc Công ty Vicem Hoàng Thạch Lê Xuân Khôi chia sẻ, với 3 dây chuyền sản xuất, đơn vị này cũng khá chật vật với tiêu thụ trong tình hình ngành Xi măng thừa cung. Nếu giá nguyên, nhiên liệu tăng quá mức, việc dừng 1 lò nung cũng nằm trong kịch bản được tính toán của doanh nghiệp.
Tương tự với ngành Thép, Công ty Thép Pomina (mã chứng khoán: POM) thông báo dừng hoạt động sản xuất lò cao từ ngày 23/9 vừa qua, với lý do cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine đẩy giá dầu cùng các loại hàng hoá leo thang, đặc biệt là giá nguyên liệu đầu vào phục sản xuất của nhà máy đã tăng mạnh trong khi hệ lụy của dịch bệnh chưa khắc phục được.
Đáng chú ý, không chỉ đối mặt với áp lực giá cả tăng, tồn kho tăng cao cũng đặt ra thách thức lớn tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhóm ngành
Vật liệu xây dựng.
Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép trong tháng 9 gần 2 triệu tấn, giảm 7,2% so với tháng trước và giảm 10% so với cùng kỳ năm trước. Tính đến hết tháng 9/2022, tồn kho của các nhà máy thép ở mức 1,6 triệu tấn trong bối cảnh tiêu thụ nội địa và xuất khẩu suy yếu.
Cũng theo VSA, bán hàng tôn mạ kim loại và sơn phủ màu trong tháng 9 đạt 299.326 tấn, tăng 11,26% so với tháng trước, nhưng vẫn giảm 41,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, xuất khẩu đạt 104.494 tấn, giảm mạnh 72,4% so với cùng kỳ.
Thực trạng sản xuất, kinh doanh này phần nào đã được thể hiện vào báo cáo tài chính quý III của hầu hết doanh nghiệp đã công bố. Công ty Gang thép Thái Nguyên (mã chứng khoán: TIS) ghi nhận doanh thu thuần hơn 2,6 nghìn tỷ đồng và lãi gộp 45 tỷ đồng, giảm lần lượt 15% và 76% so với cùng kỳ năm trước.
Công ty Thép Vicasa (VnSteel, mã chứng khoán: VCA) chứng kiến quý lỗ nặng nhất từ khi niêm yết năm 2010 tại báo cáo tài chính quý III/2022. Theo đó, doanh thu thuần của công ty giảm gần 18% xuống còn 477 tỷ đồng. Do kinh doanh dưới giá vốn nên lỗ gộp gần 10 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ có lãi gần 12 tỷ đồng.
Hiện một số doanh nghiệp đầu ngành như Tập đoàn Hoà Phát (mã chứng khoán: HPG), Tập đoàn Hoa Sen (mã chứng khoán: HSG), Công ty Nam Kim (mã chứng khoán: NKG) chưa công bố báo cáo tài chính. Song trong dự báo về kết quả kinh doanh quý III của các doanh nghiệp mới công bố, Công ty Chứng khoán SSI hạ ước tính lợi nhuận sau thuế trong quý III của Hòa Phát còn khoảng 2,1 nghìn tỷ đồng, giảm mạnh 80% so với mức đỉnh trong quý 3/2021.
Với Hoa Sen, SSI ước tính lợi nhuận năm 2022 khoảng 1.400 tỷ đồng, giảm 67% so với năm trước và Nam Kim là 1.350 tỷ đồng, giảm 39% so với năm trước.
Trước đó, Tổng cục Thống kê dự báo, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp xây dựng trong quý IV so với quý III khó khăn hơn. Qua khảo sát với 6.799 doanh nghiệp ngành Xây dựng của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, 38,9% dự báo hoạt động sản xuất khó khăn hơn, chỉ 26,1% doanh nghiệp dự báo thuận lợi hơn, 35% nhận định giữ ổn định.
Trên thị trường niêm yết, cổ phiếu nhóm ngành
Vật liệu xây dựng đang chịu tác động kép của chỉ số chung và bức tranh kém lạc quan trong mùa báo cáo tài chính quý III của doanh nghiệp nhóm ngành này. Dù vậy, đối với tiêu thụ nội địa, quý cuối năm thường là thời điểm bứt phá tiến độ của các dự án đầu tư xây dựng. Giới đầu tư kỳ vọng, đây sẽ là tín hiệu tích cực cho ngành vật liệu xây dựng và cổ phiếu ngành này phục hồi.
Đóng cửa phiên giao dịch cuối tháng 10, cổ phiếu POM có giá 4.400 đồng, TIS có giá 5.000 đồng, HPG có giá 16.800 đồng, HSG có giá 12.250 đồng và thị giá của NKG là 14.550 đồng.
ximang.vn (TH/ TTXVN)