Theo thống kê của Cục Địa chất và khoáng sản Việt Nam, nước ta có 331 mỏ cát sông với tổng trữ lượng khoảng 2.079,72 triệu m³. Nguồn cát chính cung cấp cho sản xuất bê tông và vữa chủ yếu tập trung ở các dự án được cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác các mỏ hoặc nạo vét khơi thông luồng lạch, nhưng cũng chỉ đáp ứng được khoảng 60 - 65% nhu cầu và cung cấp cho các đô thị lớn.
Đối với cát san lấp, nhu cầu hàng năm cần từ 525 - 575 triệu m³. Hiện cả nước có 71 cơ sở khai thác cát san lấp được cấp phép với tổng công suất đạt trên 4,5 triệu m³/năm, mới đáp ứng được 1,5% so với mức độ tiêu thụ cát xây dựng. Theo dự báo, nguồn tài nguyên cát sẽ sớm cạn kiệt và nguy cơ nước ta nhập khẩu cát xây dựng là điều có thể sẽ xảy ra.
Trước thực trạng, nhiều địa phương đã đề ra các giải pháp khuyến khích người dân và doanh nghiệp chuyển dần từ cát tự nhiên sang sử dụng cát nhân tạo trong xây dựng.
Thời gian qua, các cơ quan quản lý cũng đã có nhiều cơ chế, chính sách cho đầu tư, nghiên cứu sản xuất vật liệu thay thế cát tự nhiên, trong đó có xây dựng những cơ chế danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật để làm căn cứ ứng dụng trong thực tế, các cơ quan ban ngành có liên quan cũng đã xây dựng chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư sản xuất cát nghiền và một số vật liệu khác thay thế cát tự nhiên.
Ông Lương Văn Hùng, Vụ Vật liệu xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, hiện nay, nhiều doanh nghiệp tại các địa phương - nơi có nguồn đá tự nhiên đã đầu tư dây chuyền sản xuất cát nghiền phục vụ cho nhu cầu tại chỗ. Đồng thời, cung cấp cho các địa phương khác không có nguồn đá để sản xuất cát nghiền. Đặc biệt, thị trường tiêu thụ lớn nhất vẫn là Hà Nội và TP.HCM. Nhiều dây chuyền sản xuất cát nghiền hiện nay được đầu tư công nghệ thiết bị sản xuất thuộc loại tiên tiến, mức độ cơ giới hoá, tự động hoá cao, quy mô công suất khoảng từ 100.000 - 500.000 m³/năm.
Mặc dù được khuyến khích nhưng thực tế, việc đưa cát nhân tạo sử dụng phổ biến trong xây dựng không dễ dàng. Các doanh nghiệp phản ánh, dù chất lượng cát nhân tạo được đánh giá là hạt đồng đều hơn, đảm bảo cường độ đá, không có tạp chất vì quá trình nghiền đã được sục rửa nhiều lần, giúp tiết kiệm xi măng và rút ngắn thời gian thi công, tăng tuổi thọ công trình.
Cùng với chất lượng giá cát nhân tạo cũng khá cạnh tranh rẻ hơn rất nhiều so với cát tự nhiên. Hiện giá cát nhân tạo từ 190.000 - 200.000 đồng/m³, trong khi cát tự nhiên hiện nay đang giao động ở mức 250.000 - 300.000 đồng/m³. Do chưa hiểu hết, nhiều người dân cho rằng cát nhân tạo được làm từ đá nghiền sẽ không tốt so với cát tự nhiên, nên việc sử dụng cát nhân tạo đang còn hạn chế. Vì vậy, cát nhân tạo vẫn chưa được dùng phổ biến mà hiện mới chỉ được sử dụng nhiều trong sản xuất bê tông và các công trình có sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước.
Theo TS Thái Duy Sâm, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội Vật liệu xây dựng Việt Nam (VABM) nhận định, tiềm năng của cát nhân tạo ở nước ta là rất lớn. Trong khi đó, cát nhân tạo đã được nghiên cứu và sản xuất, ứng dụng trong xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với công nghệ ngày càng hiện đại, việc sản xuất cát nhân tạo đã được Bộ Xây dựng cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn kỹ thuật về xây dựng. Tuy nhiên, việc sử dụng cát nhân tạo trong các công trình xây dựng ở nước ta vẫn chưa được phổ biến nên các nhà đầu tư chưa mạnh dạn sản xuất.
Để thúc đẩy việc sản xuất và sử dụng cát nghiền thay thế cát tự nhiên dùng cho bê tông và vữa xây dựng, Nhà nước cần tăng cường nghiên cứu khoa học công nghệ để giải quyết khó khăn về kỹ thuật trong sản xuất và sử dụng cát nghiền. Việc nghiên cứu, sản xuất cát nhân tạo được xem là hướng đi phù hợp, đáp ứng nhu cầu về nguồn cung cho thị trường trong tương lai gần.
Để đưa cát nhân tạo phổ biến rộng rãi hơn trong xây dựng thì vai trò của các cơ quan Nhà nước là rất quan trọng, trước tiên, phải rà soát bổ sung, sửa đổi, cụ thể hóa các cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích có hiệu quả việc sản xuất và sử dụng cát nhân tạo như: các chính sách ưu đãi về thuế, chuyển giao công nghệ, vốn vay… cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất và sử dụng cát nhân tạo.
Thực tế giá cát nhân tạo hiện nay không ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ mà do thị hiếu, thói quen của người sử dụng. Để xây dựng dự án trạm nghiền cát nhân tạo tốn rất nhiều kinh phí, máy, trong khi nhu cầu sử dụng ít nên hiện nay doanh nghiệp không mấy mặn mà. Ngoài ra, chưa có cơ chế ưu đãi từ vốn vay, lãi suất cho doanh nghiệp cùng các chính sách khuyến khích khác để hạ giá thành sản phẩm và tăng tính cạnh tranh nên sản phẩm khó tiếp cận thị trường.
ximang.vn (TH)