Thị trường BĐS có tín hiệu khả quan hơn, tiêu thụ xi măng nội địa đang
mở mức khá…và dự kiến sẽ tiếp tục khả quan. Bước sang năm 2015, nhiều
doanh nghiệp xi măng được ngân hàng “bơm vốn” để đầu tư xây dựng nhà
máy.

Trong giai đoạn tới sẽ có nhiều dự án xi măng đi vào hoạt động.
Mở đầu trào lưu “bơm” vốn cho các dự án xi măng là Dự án Nhà máy Xi măng Sông Lam 1 (Xi măng Đô Lương cũ) do Tập đoàn Xi măng The Vissai làm chủ đầu tư được Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đồng ý tài trợ khoản vốn “khủng” lên tới 6.300 tỷ đồng. Đây là dự án có công suất lớn nhất Việt Nam (tính đến thời điểm hiện tại) đang được xây dựng, với công suất 18.000 tấn clinker/ngày (tương đương 7,2 triệu tấn xi măng/năm).
Dự án Xi măng Long Sơn (tại huyện Hà Trung và thị xã Bỉm Sơn, Thanh Hóa) do Cty TNHH Long Sơn làm chủ đầu tư cũng được Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (VietinBank) Chi nhánh Tam Điệp đồng ý tài trợ gần 80% vốn, lên tới 3.100 tỷ đồng trong tổng mức đầu tư 3.960 tỷ đồng của dự án. Xi măng Long Sơn có tổng công suất 6.000 tấn clinker/ngày (tương đương 2,3 triệu tấn xi măng/năm), dự kiến đến quý I/2017 sẽ hoàn thành và đi vào sản xuất.
Một dự án xi măng khác ở Nghệ An là Dự án Xi măng Tân Thắng do Cty CP Xi măng Tân Thắng làm chủ đầu tư, có công suất 5.000 tấn clinker/ngày, tương đương gần 2 triệu tấn xi măng/năm, cũng đã được Ngân hàng BIDV và BacABank cho vay vốn trong năm 2015. Với khoản vốn vay 3.150 tỷ đồng, trong đó BIDV thu xếp cho vay 2.400 tỷ đồng, BacABank tài trợ vốn vay 750 tỷ đồng, thời gian cho vay tối đa 12 năm, sản phẩm của Nhà máy xi măng Tân Thắng sẽ ra mắt thị trường vào cuối năm 2017.
Một dự án xi măng lớn cũng được ngân hàng cam kết cho vay vốn trong năm 2015 này là Dự án Nhà máy xi măng Xuân Thành giai đoạn 2. Với công suất 12.500 tấn clinker/ngày (tương đương 4,5 triệu tấn/năm), tổng mức đầu tư gần 11 nghìn tỷ đồng, dự án được Ngân hàng Thương mại CP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank); Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Bưu điện Liên Việt (Lienvietpostbank) cam kết cho vay vốn đầu tư.
Theo ông Nguyễn Cao Điến, Tổng Giám đốc Nhà máy xi măng Tân Thắng, xi măng vẫn là ngành sản xuất kinh doanh hiệu quả, nhất là những DN được đầu tư bài bản, công nghệ thiết bị EU, G7 bởi nhu cầu tiêu thụ xi măng cho xây dựng, phát triển hạ tầng của Việt Nam trong giai đoạn tới là rất lớn.
Theo ông Nguyễn Quang Cung - Chủ tịch Hiệp hội xi măng Việt Nam, trước đây các dự án xi măng được Chính phủ bảo lãnh sẽ được vay vốn nước ngoài nhưng hiện nay Chính phủ không bảo lãnh cho các dự án vay nên hầu hết các dự án xi măng phải vay vốn ngân hàng trong nước.
Các ngân hàng chủ động đầu tư, tài trợ vốn cho một số dự án xi măng có công suất lớn, phục vụ cho nhu cầu tiêu thụ xi măng trong giai đoạn 5 năm tiếp theo là thực sự cần thiết. Tuy nhiên, không phải dự án xi măng nào cũng được vay vốn ngân hàng vì suất đầu tư xi măng lớn, nếu chủ đầu tư không có năng lực thì đồng nghĩa với rủi ro cao. Và chỉ những chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh xi măng, có thị trường tiêu thụ ổn định mới thuyết phục được ngân hàng cho vay vốn đầu tư.
Theo Báo Xây dựng