Để ổn định sản xuất, đảm bảo duy trì chất lượng sản phẩm trong bối cảnh chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng cao nhiều doanh nghiệp sản xuất xi măng, sắt thép trong nước thông báo tăng giá thành sản phẩm, sau khi Tập đoàn Điện lực Việt Nam thông báo điều chỉnh giá điện từ ngày 11/10/2024.
Đại diện Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn chia sẻ, Vicem Bỉm Sơn đã tìm nhiều giải pháp để tiết giảm chi phí, nhưng không thể bù đắp được tốc độ gia tăng của giá điện.
Giá điện chiếm gần 1/3 cơ cấu giá thành sản phẩm xi măng nên giá điện tăng tác động trực tiếp đến giá xi măng. Bên cạnh đó, xung đột quân sự Nga - Ukraine, căng thẳng leo thang tại Trung Đông cũng làm giá nhiên liệu đầu vào cho sản xuất biến động và dự kiến tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Chủ tịch Hiệp hội Xi măng Việt Nam cho biết, doanh nghiệp sản xuất xi măng buộc phải tăng giá bán để bù đắp chi phí, việc.tăng giá là điều các doanh nghiệp không mong muốn, nhưng nếu không tăng giá bán sản phẩm thì khó duy trì hoạt động.
Chi phí đầu vào tăng cũng gây áp lực lên doanh nghiệp sản xuất thép khiến giá bán các chủng loại thép cây và thép cuộn cũng được điều chỉnh so với giá bán hiện tại. Giá vật liệu xây dựng tăng đang tạo thêm áp lực cho các nhà thầu xây dựng, nhất là các nhà thầu xây dựng thực hiện hợp đồng theo đơn giá cố định hoặc trọn gói.
Thời gian vừa qua, tình hình phần lớn nhà thầu xây dựng Việt Nam không mấy tích cực do tác động của dịch bệnh Covid-19, giá vật liệu xây dựng liệu tăng cao, thị trường bất động sản, xây dựng trầm lắng… Nhiều doanh nghiệp xây dựng, trong đó có cả những “ông lớn” lâm vào tình trạng rất khó khăn. Trong bối cảnh các doanh nghiệp nhà thầu chưa phục hồi bao nhiêu, việc giá điện, giá vật liệu xây dựng lại tăng có thể gây ảnh hưởng mạnh đến hoạt động của doanh nghiệp xây dựng cũng như tiến độ các gói thầu/dự án xây dựng…
Một nhà thầu xây dựng lớn cho biết, giá điện được điều chỉnh tăng không nhiều nhưng lại kéo giá nhiều chủng loại vật liệu tăng theo, tạo thêm áp lực cho nhà thầu, đặc biệt là ở các hợp đồng theo đơn giá cố định, trọn gói. Để giảm áp lực từ biến động thị trường, bản thân nhà thầu tiếp tục đổi mới, ứng dụng thiết bị, công nghệ mới, hiện đại… nhằm tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh.
Để giảm thiểu khó khăn cho các nhà thầu xây dựng, các Sở Xây dựng cần cập nhật kịp thời, chính xác đơn giá vật liệu xây dựng để áp dụng cho các công trình dùng vốn ngân sách Nhà nước. Cùng với đó, cần đẩy mạnh thực hiện các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp như cải thiện môi trường kinh doanh, tháo gỡ khó khăn liên quan đến thủ tục pháp lý cho các dự án… Bản thân nhà thầu xây dựng cần làm tốt công tác dự báo, tính toán rủi ro, quản trị nguồn lực… để nâng cao hiệu quả hoạt động, thích ứng biến động thị trường.
Bên cạnh đó, Nhà nước cần ban hành đầy đủ hướng dẫn thực hiện Luật Đất đai (sửa đổi) và các văn bản pháp lý liên quan để thúc đẩy thị trường bất động sản, xây dựng phục hồi, góp phần tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, tạo thêm việc làm cho nhà thầu xây dựng. Các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng phải cải tiến công nghệ, sử dụng tiết kiệm năng lượng để nâng cao hiệu quả hoạt động, giảm giá bán sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.
Nguồn: Đấu thầu