Theo nhận định của Bộ Xây dựng, nhóm ngành Vật liệu xây dựng hằng năm đóng góp gần 7% GDP của cả nước. Ngành cũng có vai trò quan trọng trong phát triển kết cấu hạ tầng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, trước tình hình bất động sản trong nước giảm sâu, dự án đầu tư công triển khai chậm, kinh tế toàn cầu bất ổn đã tác động mạnh mẽ đến đầu ra của toàn ngành. Theo các doanh nghiệp trong ngành xây dựng cho biết, chưa năm nào sản xuất lại gặp khó khăn như thời gian này. Nhiều doanh nghiệp trong quý I, đã phải sản xuất cầm chừng để duy trì việc làm cho người lao động.
Cửa hàng giới thiệu sản phẩm gạch ốp lát và vật liệu xây dựng các loại của Công ty TNHH Phục Hưng (TP. Phủ Lý).
Ông Nguyễn Văn Thức, Giám đốc Công ty Cổ phần Khoáng sản Nam Hà (Thanh Liêm) chuyên khai thác, chế biến đá xây dựng các loại cho hay, trong quý I/2024, sản phẩm công ty sản xuất ra và tiêu thụ trên thị trường chỉ bằng khoảng 40 - 50% so với cùng kỳ những năm trước. Thông thường sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp, công trường sẽ nhập nguyên vật liệu xây dựng “ồ ạt” song năm nay chỉ được khoảng 2 - 3 ngày, còn lại thị trường “rất ảm đạm”. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thị trường bất động sản đóng băng, nhu cầu đầu tư xây dựng các dự án công và các công trình tư nhân cũng giảm mạnh nên sản phẩm doanh nghiệp sản xuất ra tiêu thụ chậm. Theo kế hoạch trong năm 2024, Công ty Cổ phần Khoáng sản Nam Hà sẽ khai thác khoảng 450 - 500.000 m³ đá đặc, để chế biến ra các loại sản phẩm đá xây dựng các loại. Hy vọng trong quý II và quý III thị trường vật liệu xây dựng sẽ ấm dần lên, nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng từ đá của các công trình sẽ tăng lên, góp phần giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp.
Cũng như Công ty Cổ phần Khoáng sản Nam Hà, trong thời gian này các doanh nghiệp chuyên sản xuất, kinh doanh gốm sứ xây dựng, gạch ốp lát sử dụng chủ yếu cho các công trình nhà ở, công trình xây dựng dân dụng; doanh nghiệp sản xuất xi măng, gạch tuynel… trên địa bàn tỉnh cũng gặp nhiều khó khăn khi sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm. Nhiều doanh nghiệp sản xuất ra hàng tồn kho nhiều đã phải cho công nhân nghỉ việc hoặc giảm giờ làm; giảm dây chuyền hoạt động. Cũng theo các doanh nghiệp, thông thường vào dịp đầu năm nhiều hộ gia đình, các công trình xây dựng được khởi công nên thị trường vật liệu xây dựng như gạch, đá, sắt thép, xi măng phải "nóng" lên từng ngày. Tuy nhiên, trong thời điểm hiện nay, tất cả các mặt hàng trên đều bình ổn, trong đó có một số mặt hàng còn giảm giá so với cuối năm 2023.
Theo các chuyên gia trong ngành Xây dựng khẳng định, có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự sụt giảm của ngành Vật liệu xây dựng nhưng một trong những nguyên nhân chính vẫn là do thị trường bất động sản không phát triển, thậm chí là suy giảm mạnh, trong đó ảnh hưởng của bất động sản đến từng lĩnh vực của ngành Vật liệu xây dựng có khác nhau. Cụ thể, với xi măng, ngoài việc đưa vào công trình, dự án bất động sản, sản phẩm này có thể tiêu thụ cho các dự án xây dựng hạ tầng giao thông, đường sá, cầu cống, thủy lợi, thủy điện và xuất khẩu một phần ra nước ngoài. Tuy nhiên, tình hình kinh tế thế giới biến động bất ổn, dẫn đến nhu cầu tiêu thụ nói chung và tiêu thụ vật liệu xây dựng nói riêng giảm sâu, ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu. Do vậy, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng cũng không thể trông đợi xuất khẩu là giải pháp để tháo gỡ những khó khăn vướng mắc.
Trong thời gian tới, để tháo gỡ khó khăn cho thị trường vật liệu xây dựng và các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng thì việc đẩy mạnh đầu tư công là rất cần thiết. Đối với các doanh nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng cũng cần tự nâng cao năng lực cạnh tranh bằng cách nâng cao chất lượng, đa dạng mẫu mã sản phẩm; đổi mới, đưa công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất, chú trọng tiết kiệm chi phí, giảm phát thải, sản xuất xanh, ứng dụng giải pháp kinh tế tuần hoàn; tăng cường khâu tiếp thị, linh hoạt mở rộng, tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới để nâng cao khả năng tiêu thụ sản phẩm.
ximang.vn (TH/ Báo Hà Nam)