Thứ trưởng Trần Văn Sơn cho biết, thực hiện các giải pháp nhằm tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, tập trung kiềm chế lạm phát theo Nghị quyết số 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện có hiệu quả trong điều hành và SXKD.

VLXD đáp ứng được yêu cầu trong nước và xuất khẩu.
Quản lý thị trường BĐS
Về thị trường VLXD và BĐS vốn có nhiều biến động do ảnh hưởng của nền kinh tế, Bộ đã chỉ đạo tiếp tục duy trì hoạt động của Tổ thường trực theo dõi thị trường VLXD và BĐS để theo dõi, kiểm tra và kịp thời có giải pháp xử lý những vấn đề phát sinh do biến động giá VLXD và BĐS, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho các địa phương và DN. Theo đó, thị trường xi măng, VLXD trong 6 tháng đầu năm được bình ổn, đáp ứng nhu cầu thị trường và một phần dành cho xuất khẩu.
Nhằm tăng cường kiểm soát thị trường BĐS, Bộ Xây dựng đã có Báo cáo tình hình thị trường BĐS và một số giải pháp nhằm quản lý thị trường này hoạt động lành mạnh gửi Thủ tướng Chính phủ, trong đó đã đánh giá toàn diện về tình hình BĐS năm 2010 và 6 tháng đầu năm 2011, đề ra một số nhóm giải pháp để kiểm soát hiệu quả dòng vốn đầu tư vào thị trường BĐS để chống đầu cơ nhưng cũng tránh gây sốc, làm đóng băng thị trường; đổi mới các phương thức phát triển nhà ở (như xoá bỏ hình thức chia lô, bán nền, đa dạng hoá các loại hình nhà ở trong các dự án phát triển nhà ở, phát triển mạnh nhà ở cho thuê...); đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án, tăng nguồn cung cho thị trường; tiếp tục tập trung nguồn lực đẩy mạnh các Chương trình nhà ở xã hội trọng điểm... Để thực hiện các giải pháp này, Bộ Xây dựng đang dự thảo Chỉ thị về bình ổn thị trường BĐS, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành trong thời gian tới để giao nhiệm vụ cho các bộ, ngành liên quan triển khai thực hiện.
Đẩy mạnh các chương trình an sinh xã hội
Để thúc đẩy SXKD, tiếp tục đẩy mạnh việc cải cách, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo các đơn vị phối hợp chặt chẽ với Tổ công tác thực hiện Đề án 30 của Bộ rà soát, nghiên cứu, tiếp thu và hoàn thiện phương án đơn giản hoá đối với các thủ tục hành chính thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ theo hướng thuận lợi, cắt giảm tối đa chi phí tuân thủ thủ tục hành chính nhưng vẫn đảm bảo được mục tiêu quản lý nhà nước, tạo điều kiện thông thoáng cho các DN đẩy mạnh SXKD và đầu tư phát triển.
Thực hiện các giải pháp về bảo đảm an sinh xã hội, Bộ Xây dựng tiếp tục chỉ đạo, đôn đốc các địa phương thực hiện Chương trình xây dựng ký túc xá sinh viên, Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho công nhân lao động tại các KCN thuê, Chương trình đầu tư xây dựng nhà ở cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, Chương trình hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở, Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà vùng ngập lũ ĐBSCL giai đoạn 2.
Tập trung chỉ đạo nghiên cứu các mẫu thiết kế nhà ở điển hình, các công trình hạ tầng xã hội cho các xã thường xuyên bị ảnh hưởng thiên tai và đã cơ bản hoàn thành việc nghiên cứu, xây dựng Đề án Hỗ trợ nâng cao điều kiện an toàn nhà ở trong khu vực thường xuyên có lũ, lụt tại các tỉnh Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung.
Bên cạnh đó, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo triển khai Chương trình chống thất thoát, thất thu nước sạch; đã trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định thành lập Ban chỉ đạo chương trình quốc gia chống thất thoát, thất thu nước sạch.
Cắt giảm đầu tư công
Thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt, cắt giảm đầu tư công, giảm bội chi ngân sách nhà nước, ngay từ tháng 3 Bộ trưởng đã có chỉ thị đến các đơn vị trực thuộc thực hiện nghiêm túc chủ trương cắt giảm tối đa các chi phí hành chính, hội nghị, hội thảo... tạm dừng trang bị mới xe ôtô; mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc bằng nguồn ngân sách nhà nước; đã hoàn thành việc rà soát và xây dựng phương án tiết kiệm 10% chi thường xuyên bằng nguồn vốn ngân sách trong 9 tháng cuối năm 2011 với số tiết kiệm là 11,17 tỷ đồng. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc rà soát lại toàn bộ các dự án đầu tư trong kế hoạch năm 2011 để thực hiện các biện pháp ngừng, đình hoãn hoặc giãn tiến độ, bao gồm cả các dự án sử dụng vốn ngân sách, các dự án thực hiện bằng nguồn vốn vay và vốn do đơn vị tự huy động.
Năm 2011 Bộ Xây dựng được giao quản lý 981 tỷ đồng cho các dự án sử dụng vốn ngân sách, số vốn này đã được bố trí cho 19 dự án. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết 11/NQ-CP, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo tạm dừng khởi công đối với các dự án khởi công mới, có 4 dự án phải tạm thời dừng khởi công với tổng số vốn là 30,448 tỷ đồng. Các dự án đang triển khai cũng sẽ được Bộ cùng với các chủ đầu tư rà soát lại về mục tiêu, quy mô, hiệu quả đầu tư và tiến độ thực hiện.
Đối với nguồn vốn đầu tư phát triển của các DN trực thuộc, Bộ Xây dựng đã chỉ đạo các đơn vị rà soát kế hoạch đầu tư năm 2011. Sau rà soát, kế hoạch đầu tư năm 2011 của các DN là 37.957 tỷ đồng, giảm so với kế hoạch đầu năm 21,36%, tương ứng với giá trị 10.314 tỷ đồng (trong đó Tập đoàn Công nghiệp xây dựng Việt Nam giảm 6.075 tỷ đồng, chiếm 55,5% trong tổng vốn giảm của các DN thuộc Bộ). Số vốn giảm tập trung chủ yếu vào lĩnh vực đầu tư phát triển nhà và đô thị, lĩnh vực đầu tư xây dựng KCN tập trung, lĩnh vực đầu tư nhà máy điện.
Các Tập đoàn, TCty nhà nước cũng đã tự kiểm tra, rà soát lại danh mục, hiệu quả các dự án đầu tư của Cty mẹ và các đơn vị thành viên, sắp xếp lại các dự án đầu tư theo hướng tập trung cho các lĩnh vực SXKD chính. Kế hoạch đầu tư năm 2011 của các DN thuộc Bộ Xây dựng sau khi rà soát điều chỉnh giảm gần 11 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch đăng ký từ đầu năm, chủ yếu tập trung vào các dự án đang chuẩn bị đầu tư, các dự án dự kiến khởi công mới.
Theo baoxaydung