Nhiều gia đình đang triển khai xây dựng nhà cửa phải cân đối, tính toán lại. Thậm chí, một số gia đình hạn chế về điều kiện kinh tế phải thay đổi kế hoạch dựng nhà, đứng trước nguy cơ gián đoạn hoặc tạm dừng, do kinh phí vượt nhiều lần so với dự toán ban đầu.
Lập kế hoạch xây nhà từ giữa năm 2023, song đến tháng 6/2024 gia đình ông Trần Văn Khu, TP. Điện Biên Phủ mới chính thức khởi công. Theo dự tính ban đầu, ngôi nhà hoàn thiện sẽ cần khoảng 150 m³ cát, với giá khảo sát thời điểm đó là 200.000 đồng/m³. Khi bắt đầu thi công, cát chở về tận chân công trình tăng nhẹ lên 250.000 đồng/m³, đến cuối tháng 10 vừa qua giá là 500.000 đồng/m³. Ngay đầu tháng 11 giá cát tiếp tục tăng 520.000 đồng/m³. Theo người bán cho biết, giá cát mua tại bãi đã 400.000 đồng/m³.
Giá cát tăng phi mã khiến nhiều công trình xây dựng gặp khó khăn.
Công trình kế bên nhà ông Khu cũng vừa hoàn thiện phần móng. Tuy đã ký hợp đồng với đơn vị thi công nhưng gia đình vẫn không khỏi lo lắng, đứng ngồi không yên trước cơn sốt giá cát thời gian qua chưa thấy có dấu hiệu dừng. Nhiều công trình trên địa bàn tỉnh phải tạm dừng thi công, chờ thời gian nữa xem cát có giảm giá không mới tính tiếp do giá cát tăng gấp đôi, phát sinh kinh phí quá lớn.
Giá cát liên tục tăng cao khiến nhiều nhà thầu, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Điện Biên lao đao khi đã ký kết hợp đồng theo đơn giá vật liệu xây dựng thời điểm trước đó. Giá cát tăng kéo theo giá vật liệu liên quan đến cát, như bê tông tươi, ống bi, cọc… tăng theo. Nhiều doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, nhất là những doanh nghiệp nhỏ gặp khó khăn. Không ít nhà thầu rơi vào tình cảnh “tiến thoái lưỡng nan”, khi tiếp tục thi công thì đối diện tình cảnh thua lỗ mà nếu không làm lại bị chậm tiến độ.
Đối với hợp đồng trọn gói, đơn giá đều cố định, khi thị trường nguyên vật liệu biến động, nhất là gia tăng như giá cát thời gian này thì doanh nghiệp đối mặt nguy cơ thua lỗ. Ngay cả với hợp đồng được điều chỉnh giá thì cũng khó đảm bảo. Bởi khi thanh toán, chủ đầu tư chỉ căn cứ vào thông báo giá cùng thời điểm của đơn vị chức năng, việc điều chỉnh cũng dựa trên khảo sát, xem xét quyết định của những cơ quan này.
Chia sẻ về những khó khăn này, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng Mường Thanh cho hay, cơ bản các công trình mà đơn vị thi công được áp dụng mức giá nguyên liệu cát từ 200.000 - 300.000 đồng/m³. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay doanh nghiệp đang phải mua cát với giá thấp nhất là 400.000 đồng/m³; thậm chí cát trát (xoa) gần 700.000 đồng/m³. Sự gia tăng đột biến khiến một số công trình bị ảnh hưởng, gián đoạn, buộc doanh nghiệp phải hoạt động cầm chừng.
Đồng nghĩa với doanh nghiệp phải chịu áp lực về tiến độ, đối diện nguy cơ không thể hoàn thành theo kế hoạch đặt ra. Nhưng nếu tiếp tục nhập nguyên liệu và làm thì chắc chắn thua lỗ, vì không thể quyết toán được khoản tiền phát sinh do tình trạng tăng giá này. Có thể một số đơn vị vẫn cầm cự được, thế nhưng cũng chỉ thực hiện ở công trình nhỏ, số lượng ít và trong thời gian ngắn, chứ về lâu dài thì không thể được.
ximang.vn (TH/ Báo Điện Biên)