Doanh nghiệp VLXD kỳ vọng hưởng lợi từ dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam
02/12/2024 1:30:09 PM
» Vừa qua, Quốc hội đã thông qua chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, có chiều dài 1.541 km, tổng vốn sơ bộ hơn 1,7 triệu tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2035. Các doanh nghiệp vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép, đá xây dựng... kỳ vọng có thể hưởng lợi đáng kể từ dự án đường sắt cao tốc.
Dự án này được xem là cơ hội rất lớn để các doanh nghiệp Việt Nam tham gia, nâng cao năng lực cạnh tranh. Tổng thầu và các nhà thầu được khuyến khích ưu tiên sử dụng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ mà trong nước có thể cung cấp.
Các đơn vị tư vấn tính toán dự án cần khoảng 6 triệu tấn thép các loại. Hòa Phát là một ứng viên có thể hưởng lợi đáng kể từ dự án. Tập đoàn có thể cung cấp được sắt xây dựng vào các công trình và có kế hoạch nghiên cứu cung ứng thép đường ray, thép dự ứng lực... Nếu trở thành nhà cung cấp thép cho dự án, Hoà Phát cam kết đảm bảo cung cấp đủ khối lượng 6 triệu tấn thép các loại, đặc biệt là thép đường ray cao tốc và thép dự ứng lực cường độ cao.
Ngoài thép, các doanh nghiệp vật liệu xây dựng khác như đá xây dựng, xi măng, gạch ốp lát… còn trữ lượng lớn, thời hạn khai thác dài hoặc đang chuẩn bị được cấp giấy phép mới có thể được hưởng lợi.
Khoáng sản và Xây dựng Bình Dương (Mã: KSB), Vật liệu Xây dựng Biên Hòa (Mã: VLB) hay Hóa An (Mã: DHA) là những đơn vị điển hình hưởng lợi nhờ trữ lượng lớn, giấy phép khai thác dài hạn, sẵn sàng cung cấp nguồn đá xây dựng cho dự án.
Các doanh nghiệp hàng đầu về xi măng cũng cơ hội lớn cung ứng vật liệu vào đường sắt cao tốc như Công ty CP Xi măng Vicem Hà Tiên (Mã: HT1), Công ty CP Xi măng Bỉm Sơn (Mã: BCC)... có lợi thế về năng lực sản xuất, khả năng đáp ứng nhu cầu cao và kinh nghiệm trong nhiều dự án đầu tư công.
Việc thực hiện đầu tư tuyến đường sắt cao tốc sẽ tạo ra thị trường xây dựng với giá trị khoảng 33,5 tỷ USD, phần lớn dành cho xây dựng kết cấu hạ tầng, bao gồm các phần cầu hầm, nền đường.
ximang.vn (TH)